Kiến nghị phòng ngừa vi phạm pháp luật trong công tác áp dụng biện pháp xử lý hành chính
Hưởng ứng tháng hành động
phòng, chống ma túy năm 2025 theo chỉ đạo tại văn bản số 2457/VKSTC-V4 ngày
30/5/2025 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Hướng dẫn số 06/HD-VKSPT-P1
ngày 03/06/2025 của VKSND tỉnh Phú Thọ, Viện kiểm sát nhân dân huyện Thanh Ba
đã triển khai kiểm sát chặt chẽ việc lập hồ sơ và tham gia 04 phiên họp xem
xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt
buộc tại TAND huyện Thanh Ba. Qua đó ban hành 01 kiến nghị phòng ngừa vi phạm
pháp luật tới UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Qua công tác kiểm
sát, VKSND huyện Thanh Ba nhận thấy: Trong tháng 6 năm 2025, Tòa án nhân dân
huyện Thanh Ba đã thụ lý, xem xét quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở
cai nghiện bắt buộc đối với một số trường hợp do Công an xã, thị trấn lập hồ sơ
theo quy định tại Thông tư liên tịch 03/2025. Nhìn chung, hồ sơ đảm bảo căn cứ
pháp lý, công tác lập hồ sơ được thực hiện đúng trình tự. Tuy nhiên, qua theo
dõi thực tiễn cho thấy công tác quản lý người sau cai nghiện tại cộng đồng còn
tồn tại nhiều hạn chế như: Việc theo dõi, hỗ trợ người nghiện tại địa phương
chủ yếu mang tính hình thức, chưa có sự giám sát thường xuyên và hiệu quả chưa
cao. Tình trạng tái nghiện vẫn xảy ra trong thời gian người nghiện đang được
quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú.
Theo quy định tại
Điều 40 Luật Phòng chống ma túy năm 2021 và Khoản 9, Điều 3 Nghị định
116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021, trách nhiệm chính trong quản lý người sau cai
nghiện thuộc về UBND cấp xã, với sự phối hợp của công an, các đoàn thể và gia
đình. Tuy nhiên, trên thực tế việc triển khai ở một số địa phương còn chưa đồng
bộ và thiếu chiều sâu. Vì vậy, để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác quản lý
sau cai nghiện, giảm thiểu các trường hợp tái nghiện trong thời gian quản lý
sau cai nghiện tại địa phương và cộng đồng, Viện kiểm sát nhân dân huyện Thanh
Ba kiến nghị Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn áp dụng một số giải pháp sau đây để
nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác quản lý sau cai nghiện ma tuý tại nơi cư
trú như:
Rà soát, lập hồ sơ
đầy đủ để theo dõi người sau cai nghiện: gồm thông tin nhân thân, tình trạng sức
khỏe, nguy cơ tái nghiện, kế hoạch hỗ trợ cá nhân hóa. Tổ chức tư vấn tâm lý, hỗ
trợ kỹ năng sống, hỗ trợ giới thiệu việc làm cho người sau cai nghiện. Tạo điều
kiện cho người cai nghiện có một môi trường sống tốt hơn, có chính sách hỗ trợ
vay vốn ổn định cuộc sống tái hòa nhập cộng đồng, tránh tình trạng tái nghiện.
Xây dựng và triển
khai kế hoạch quản lý sau cai nghiện có phân công rõ người phụ trách, có mục
tiêu cụ thể và thời gian thực hiện, có đánh giá định kỳ. Tăng cường sự phối hợp
giữa Công an xã - uỷ ban nhân dân - các đoàn thể -gia đình trong công tác theo
dõi, quản lý, giám sát người sau cai nghiện. Huy động sự tham gia của cộng đồng
dân cư trong việc giáo dục, hỗ trợ và giám sát người sau cai. Tăng cường kiểm
tra, phát hiện kịp thời các dấu hiệu tái nghiện để có biện pháp can thiệp phù hợp.
Tăng cường tuyên
truyền kiến thức pháp luật thông qua nhiều hình thức về trách nhiệm của cá
nhân, gia đình và cộng đồng trong công tác phòng, chống nghiện ma tuý và tái
nghiện ma tuý trên địa bàn.
Thông qua việc ban hành kiến nghị phòng ngừa vi phạm pháp luật trên của VKSND
huyện Thanh Ba sẽ góp phần cùng các cấp, ngành thực hiện hiệu quả hơn công tác
phòng, chống ma túy, đặc biệt là trong công tác quản lý sau cai, nhằm tăng
cường hiệu quả phòng ngừa tái nghiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật
liên quan đến ma túy trên địa bàn.
Nguyễn Thanh Thảo – VKSND
huyện Thanh Ba