Việc áp dụng quyền lưu cư trong công tác giải quyết các vụ việc dân sự

09:53 - Thứ Năm, 21/07/2022

Trong năm 2021, TAND thị xã Phú Thọ giải quyết 01 vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất giữa cụ Nguyễn Thị Phúc Hà và anh Nguyễn Phúc Bình. Hai bên đương sự có mối quan hệ là cô cháu ruột nhưng cụ Hà nhận anh Bình là con nuôi. Cụ Hà và anh Bình cùng sinh sống với nhau trong 01 ngôi nhà tại thửa đất ở xã Hà Thạch, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ từ năm 1990 đến nay. Tuy nhiên, sau khi anh Bình lập gia đình thì giữa cụ Hà và anh Bình thường xuyên xảy ra mâu thuẫn nên cụ Hà đã khởi kiện buộc anh Bình di rời khỏi nhà của cụ Hà. Quá trình kiểm sát việc giải quyết vụ án, căn cứ vào các tài liệu thu thập được trong hồ sơ vụ án,  Viện KSND thị xã Phú Thọ xác định cụ Hà nhận nuôi anh Bình từ năm 1990 nhưng việc nhận nuôi chỉ bằng miệng, không có giấy tờ nhận nuôi con nuôi hợp pháp. Sau khi nhận nuôi anh Bình thì hai mẹ con sinh sống tại thửa đất đã được cấp giấy CNQSD cho cụ Hà từ lâu. Bản thân anh Bình chỉ sống cùng cụ Hà trên thửa đất này và khi lớn lên thì có công sức tôn tạo, duy trì sử dụng thửa đất cùng cụ Hà trong thời gian sinh sống. Vì vậy, yêu cầu khởi kiện của cụ Hà cần được chấp nhận và anh Bình cùng vợ con phải di chuyển đến nơi ở mới. Tuy nhiên, Viện KSND thị xã Phú Thọ cũng nhận định quan hệ giữa cụ Hà và anh Bình chỉ là quan hệ cô cháu ruột, không phải quan hệ vợ chồng vì vậy khi phát biểu về đường lối giải quyết vụ án Viện KSND thị xã Phú Thọ không có căn cứ pháp lý để áp dụng quyền lưu cư cho anh Bình nhưng để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của anh B giúp anh có thời gian tìm chỗ ở mới cho cùng vợ và các con tuy nhiêm Viện KSND thị xã Phú Thọ vẫn đề nghị Hội đồng xét xử cho anh Bình được lưu cư tại ngôi nhà đang sinh sống được xây dựng trên đất của cụ Hà trong thời gian từ 02-03 tháng. Đề nghị này đã được HĐXX chấp thuận và ra quyết định cho anh Bình được quyền lưu cư 02 tháng kể từ khi Bản án số 10/2021/DS-ST ngày 28/10/2021 của TAND thị xã Phú Thọ có hiệu lực pháp luật. Sau đó, anh Bình có kháng cáo, tại bản án phúc thẩm số 21/2022/DS-PT ngày 16/5/2022 của TAND tỉnh Phú Thọ xét xử đã bác kháng cáo của anh Bình và tuyên y án số 10/2021/DS-ST ngày 28/10/2021 của TAND thị xã Phú Thọ.

Quá trình nghiên cứu, kiểm sát việc giải quyết vụ án nói chung và nghiên cứu về việc áp dụng quyền lưu cư nói riêng Viện KSND thị xã Phú Thọ nhận thấy trong xu thế hiện nay khi nền kinh tế ngày một phát triển thì các tranh chấp về hợp đồng thuê nhà; tranh chấp di sản thừa kế, tranh chấp hôn nhân gia đình, tranh chấp quyền sử dụng đất…có xu hướng ngày càng tăng. Khi thụ lý, giải quyết các tranh chấp nêu trên, có rất nhiều trường hợp Tòa án phải ra quyết định buộc một bên đương sự phải di rời, chuyển sang chỗ ở khác. Để đảm bảo cho các bên đương sự có thời gian chuẩn bị chỗ ở mới, ổn định cuộc sống thì Tòa án nên áp dụng quyền lưu cư cho bên phải di rời để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Tuy nhiên, việc áp dụng quyền lưu cư hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc vì thực tế hiện nay tại Điều 63 Luật hôn nhân và gia đình có quy định cụ thể về quyền lưu cư cho vợ hoặc chồng với thời hạn là 06 tháng còn Bộ luật Dân sự không quy định về quyền này. Vì vậy, Tòa án không thể viện dẫn điều luật để áp dụng quyền lưu cư khi giải quyết các tranh chấp không phải là tranh chấp hôn nhân, gia đình mà chỉ có thể lập luận trong bản án là cần áp dụng quyền lưu cư để đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Do Bộ luật Dân sự không có quy định cụ thể về quyền lưu cư cũng như thời hạn lưu cư dẫn đến việc các Tòa án áp dụng quyền lưu cư khi giải quyết các tranh chấp dân sự không có sự thống nhất như: xảy ra tình trạng Tòa án có thể áp dụng hoặc không áp dụng quyền lưu cư cho đương sự hoặc áp dụng tùy nghi có nơi 01 tháng, có nơi 02 tháng, có nơi 06 tháng… Điều đó dẫn đến thực trạng nếu như tại các địa phương Tòa án không linh động để áp dụng quyền lưu cư sẽ không đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hoặc có đương sự được áp dụng thời gian 06 tháng là một khoảng thời gian không hề ngắn khiến bên đương sự còn lại, dễ đẫn đến khiếu kiện vì thực tế luật không có quy định cụ thể.

Để có căn cứ giải quyết các vướng mắc nêu trên, Viện KSND thị xã Phú Thọ nhận thấy cần quy định cụ thể về quyền lưu cư trong Bộ luật Dân sự để áp dụng khi giải quyết các tranh chấp có liên quan. 

Phạm Ngọc Hoa – Kiểm sát viên Viện KSND thị xã Phú Thọ