Viện kiểm sát cấp huyệnVKSND TP Việt Trì
Thực trạng công tác kiểm sát hoạt động định giá tài sản, thẩm định giá tài sản trong Tố tụng Dân sự và một số kiến nghị, đề xuất
02:49 - Thứ Năm, 02/06/2022
Định giá tài sản, thẩm định giá tài sản là một trong những biện pháp thu thập tài liệu chứng cứ trong tố tụng dân sự do Tòa án thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị xét xử để xác định giá trị tài sản tranh chấp. Trước đây khi chưa có Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án nhân dân Tối cao đã có Thông tư số 06/TATC ngày 25/02/1974 và pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989. Các văn bản trên đều đề cập đến việc định giá tài sản trong giải quyết các vụ án dân sự tuy nhiên các quy định đều mang tính chung chung, thiếu cụ thể. Khi Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 được ban hành đã quy định hoạt động định giá tài sản thành một điều luật riêng (Điều 92), nhưng điều luật này cũng chưa qui định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của các đương sự, thành phần hội đồng định giá, trình tự, thủ tục định giá tài sản. Ngày 29/3/2011 Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2004 trong đó có sửa đổi qui định tại Điều 92 và Tòa án nhân dân Tối Cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối Cao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-BTC ngày 28/02/2014 hướng dẫn thi hành điều luật trên trong đó đã qui định cụ thể về thành phần, trình tự, thủ tục, quyền và nghĩa vụ của các chủ thế nhưng điều luật và lần đầu tiên Thông tư đã đề cập đến căn cứ để xác định giá là giá thị trường tại khoản 1 Điều 2 của Thông tư.
Khi Bộ luật tố tụng dân sự 2015 ra đời đã qui định việc định giá, và thẩm định giá tài sản tại Điều 104 của Bộ luật và điều 104 cũng đã đề cập đến giá thị trường tại nơi có tài sản cần định giá. Tuy nhiên cả Thông tư 02 và Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 cũng như các văn bản hướng dẫn chuyên ngành khác đều không qui định rõ giá thị trường là thế nào đối với nơi giao dịch bất động sản không phát sinh trong một thời gian dài hoặc nếu có phát sinh thì người dân khi chuyển nhượng thường ghi giá thấp không đúng với giá thực tế nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và họ không cung cấp chính xác giá cho hội đồng định giá.. do đó để xác định giá trị chính xác của tài sản cần định giá không phải lúc nào hội đồng định giá cũng xác định được nên dẫn đến một số vụ việc khi Tòa án giải quyết các đương sự còn có khiếu nại về giá và đa số cho rằng giá của hội đồng định giá còn thấp hơn giá trị thực tế trên thị trường.
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển về kinh tế, xã hội thì số lượng các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, hành chính, lao động (gọi chung là các vụ việc dân sự) trên địa bàn thành phố Việt Trì do Tòa án nhân dân thành phố Việt Trì thụ lý, giải quyết gia tăng cả về số lượng và tính chất phức tạp nhất là các vụ, việc liên quan đến tranh chấp tài sản. Theo báo cáo thống kê, số lượng các vụ việc phát sinh trong 03 năm 2019 - 2021 là 2.530 vụ, việc. Trong số các vụ việc đã giải quyết trên thì các vụ việc liên quan đến tranh chấp tài sản và tranh chấp liên quan đến hợp đồng chuyển nhượng tài sản chiếm một số lượng không nhỏ và tính chất phức tạp của các vụ việc ngày càng tăng do đó vấn đề đặt ra đối với mỗi Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực dân sự tại Viện kiểm sát nhân dân thành phố Việt Trì đó là phải kiểm sát chặt chẽ việc thẩm định, định giá tài sản của Tòa để đảm bảo việc giải quyết vụ, việc chính xác, khách quan hạn chế đến mức thấp nhất việc ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự.

Viện KSND thành phố Việt Trì tổ chức giao ban giải quyết nội dung công việc phát sinh theo tuần, tháng.
Để kiểm sát được chặt chẽ, hiệu quả thì Kiểm sát viên được phân công phải tham gia tiếp cận ngay từ đầu đặc biệt là trực tiếp tham gia kiểm sát hoạt động thẩm định giá của Hội đồng định giá do đó Viện kiểm sát và Tòa án nhân dân thành phố Việt Trì đã kí kết Quy chế phối hợp trong lĩnh vực dân sự, trong đó có quy định về các trường hợp Kiểm sát viên phối hợp tham gia thẩm định, định giá tài sản cùng Tòa án. Đây là cơ sở giúp Kiểm sát viên kiểm sát hoạt động tố tụng của Tòa án ngay trong quá trình giải quyết vụ án, đảm bảo việc Tòa án thẩm định tại chỗ đúng với hiện trạng đất, giá trị tài sản trên đất. Kể từ khi ký kết Quy chế đến nay sau gần 02 năm Viện kiểm sát nhân dân thành phố Việt Trì đã cử Kiểm sát viên tham gia khoảng hơn 50 vụ, việc liên quan đến thẩm định, định giá tài sản. Từ đó, giúp cho Kiểm sát viên đánh giá toàn diện góp phần giải quyết vụ án dân sự kịp thời, chính xác, khách quan, không có vụ án nào bị cấp trên hủy, sửa do hoạt động thẩm định, định giá tài sản không có căn cứ. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, qua công tác kiểm sát việc thẩm định, định giá tài sản của Tòa án, chúng tôi thấy còn có một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thẩm định, định giá tài sản, cụ thể như sau:
Thứ nhất, căn cứ giá thị trường để Hội đồng định giá đối với tài sản
Đa số các vụ án dân sự xảy ra trên địa bàn thành phố Việt Trì trong những năm qua đều liên quan đến đối tượng tranh chấp là quyền sử dụng đất. Đối với những vụ án này, yêu cầu bắt buộc để giải quyết triệt để vụ án là phải định giá tài sản, bởi không phải mọi trường hợp đều đủ điều kiện để chia quyền sử dụng đất (chia bằng hiện vật) cho tất cả các bên mà phần lớn các trường hợp là chỉ đủ điều kiện cho một bên được hưởng quyền sử dụng đất và thanh toán tiền cho bên còn lại hoặc có trường hợp cần phải định giá tài sản để làm căn cứ tuyên hợp đồng vô hiệu và buộc bên còn lại phải bồi thường cho bên kia theo giá thị trường nếu có lỗi và tính án phí.. Theo quy định của BLTTDS năm 2015, trong quá trình giải quyết vụ án có tranh chấp về tài sản, đương sự bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền cung cấp giá tài sản đang tranh chấp cho Tòa án. Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết các vụ án có tranh chấp tài sản cho thấy giá tài sản do một bên đương sự đưa ra thường không được một hoặc các bên đương sự còn lại chấp nhận vì giá tài sản do đương sự đưa ra thường thiên về quyền lợi của chính đương sự đó do đó Tòa án thường phải ra quyết định định giá tài sản và Hội đồng định giá sẽ định giá theo giá thị trường. Theo quy định tại Điều 104 BLTTDS thì giá của tài sản định giá phải là “giá thị trường nơi có tài sản định giá tại thời điểm định giá”. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là việc công tác thu thập giá thị trường làm căn cứ định giá là khó thực hiện được. Bởi vì thông thường các bên ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất họ thường ghi giá trong hợp đồng thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế để tránh nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước nên Hội đồng định giá tiến hành định giá mà căn cứ vào giá ghi trong hợp đồng chuyển nhượng sẽ không phù hợp với giá thị trường. Còn nếu Hội đồng định giá căn cứ vào lời trình bày của đương sự vào giá thực tế chuyển nhượng trên thị trường thì cũng không đúng quy định. Bởi vì ít khi đương sự cung cấp được chứng cứ liên quan đến giá chuyển nhượng trên thực tế. Cũng có những trường hợp, theo trình bày của chính quyền địa phương và những người dân xung quanh thì trong vòng vài năm gần đây chưa có hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nào giữa các hộ dân. Vậy trường hợp này làm thế nào để việc định giá tài sản theo giá thị trường? Trên thực tế trong thời gian qua đa số các trường hợp cần định giá nhất là các vụ án tranh chấp ly hôn, chia tài sản chung.. Hội đồng định giá thường lấy biểu giá đất qui định hàng năm của UBND tỉnh (làm căn cứ tính thuế) để làm căn cứ xác định giá trị đất hoặc xác định giá cao hơn một ít so với qui định của Nhà nước.. trong khi đó có một số dự án do Nhà nước thu hồi để thực hiện phát triển kinh tế xã hội giá qui định của nhà nước đối với đất nông nghiệp là 40-50.000đ/1m2 nhưng khi doanh ngiệp được giao làm chủ đầu tư đối với diện tích đất trên đã sẵn sàng hỗ trợ cho người dân với giá 400 đến 500.000đ/1m2 do đó đa số không được sự đồng thuận của các bên đương sự.
Thứ hai, đương sự gây khó khăn, cản trở hoạt động định giá của Hội đồng định giá tài sản.
Khi Tòa án tiến hành thẩm định, định giá tài sản, bên đang quản lý tài sản thường có hành vi không hợp tác, phối hợp trong hoạt động định giá, không cho Hội đồng định giá tiếp cận với tài sản định giá bằng việc đóng cổng, đóng cửa, bỏ đi khỏi nhà, đất tranh chấp mỗi khi Tòa án đến xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản dẫn tới việc kéo dài thời hạn giải quyết vụ án. Mặc dù Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn rất cụ thể tại khoản 6, 7 Điều 9 như sau:
"...6. Nếu có người nào cản trở Toà án tiến hành việc xem xét, thẩm định tại chỗ, thì Thẩm phán yêu cầu đại diện của Uỷ ban nhân dân hoặc cơ quan, tổ chức có biện pháp can thiệp, hỗ trợ kịp thời để thực hiện việc xem xét, thẩm định tại chỗ. Trong trường hợp cần thiết, Thẩm phán yêu cầu lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp thuộc Công an nhân dân có thẩm quyền để có các biện pháp can thiệp, hỗ trợ, theo quy định tại Thông tư số 15/2003/TT-BCA(V19) ngày 10-9-2003 của Bộ Công an hướng dẫn hoạt động hỗ trợ tư pháp của lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp thuộc Công an nhân dân.
7. Trường hợp đã thực hiện đầy đủ các biện pháp được hướng dẫn tại khoản 6 Điều này mà vẫn không tiến hành được, thì Thẩm phán lập biên bản về việc đương sự cản trở việc xem xét, thẩm định tại chỗ để lưu vào hồ sơ vụ án. Biên bản về việc đương sự cản trở việc xem xét, thẩm định tại chỗ, đồng thời, phải được gửi cho cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo pháp luật về hành vi chống người thi hành công vụ của đương sự».
Quy định này được áp dụng khi đương sự hoặc những người khác có hành vi chống đối, gây rối khi Tòa án xem xét, thẩm định tại chỗ; nhưng với trường hợp đương sự đóng cửa, bỏ đi, Tòa án không thể vào xem xét, thẩm định tại chỗ thì có được coi là hành vi "cản trở” được nêu tại khoản 6 Điều 9 Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP và có được áp dụng các biện pháp nêu tại khoản 7 hay không thì vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau. Trường hợp này có được xem xét, xử lý đương sự về hành vi chống người thi hành công vụ hay không bởi không có việc chống người thi hành công vụ.
Thứ ba, về chi phí thẩm định, định giá tài sản.
Theo quy định tại Điều 155, Điều 163 BLTTDS thì tiền tạm ứng chi phí thẩm định, định giá tài sản là số tiền mà Tòa án tạm tính để tiến hành việc thẩm định, định giá tài sản. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có văn bản nào quy định cụ thể về chi phí thẩm định, định giá tài sản, mức chi cho các thành viên trong hội đồng dẫn đến chi phí cho hoạt động thẩm định, định giá ở mỗi vụ án là khác nhau, nhiều trường hợp chưa hợp lí và có sự tùy tiện của Thẩm phán, Kiểm sát viên không có căn cứ để kiểm sát được các trường hợp này. Nhiều trường hợp Tòa án phải tiến hành lại việc thẩm định tại chỗ và thẩm định giá.. kết quả lần sau có sự khác biệt với kết quả thẩm định, và giá lần trước. Trường hợp này, rõ ràng việc sai sót trong thẩm định tại chỗ và đo đạc thực tế, thẩm định giá không phải lỗi của đương sự mà thuộc về những người thực hiện. Song Bộ luật tố tụng dân sự lại không có quy định về nghĩa vụ phải chịu chi phí thẩm định tại chỗ, thẩm định giá trong trường hợp phải thực hiện thẩm định tại chỗ, thẩm định giá lại do có sai sót.

Kiểm sát viên phối hợp cùng Tòa án xác minh hiện trạng tài sản tranh chấp phục vụ công tác kiểm sát giải quyết vụ án dân sự
Từ những vướng mắc, bất cập trong hoạt động thẩm định, định giá tài sản như đã phân tích trên, chúng tôi đề xuất một số kiến nghị như sau:
Thứ nhất, để khắc phục tình trạng không biết xác định giá thị trường như thế nào hoặc hội đồng định giá chỉ căn cứ vào khung giá do UBND tỉnh ban hành không định giá sát với giá thị trường thì trước khi tiến hành định giá, hội đồng định giá phải tham khảo mức giá tại địa phương như trong phạm vi bao nhiêu km nhà nước đấu giá diện tích đất tương tự như thế nào.. vì thực tế trong 03 năm qua chỉ duy nhất có 01 trường hợp Hội đồng xác định theo giá thị trường để định giá giá đất 32.000.000đ/1m2 do căn cứ vào kết quả bán đấu giá đất của cơ quan có thẩm quyền và diện tích đất này gần diện tích đất tranh chấp để làm căn cứ xác định giá thị trường.. Hoặc căn cứ vào giá trị tài sản do các bên cung cấp để chia ra giá trị bình quân và trước khi định giá cần giải thích rõ cho đương sự biết hậu của của việc định giá tài sản và giao tài sản để các đương sự đưa ra giá cho phù hợp. Do đó Hội đồng định giá chỉ định giá theo khung giá khi thu thập được đầy đủ các chứng cứ chứng minh khung giá đó là sát với giá thị trường và các tài liệu thu thập được để chứng minh này phải được kèm theo biên bản định giá tài sản, kết luận định giá tài sản gửi cho Tòa án và các bên đương sự.
Thứ hai, để khắc phục tình trạng đương sự cản trở, không hợp tác trong hoạt động thẩm định, định giá tài sản, thì cần phải có biện pháp phối hợp giữa Hội đồng định giá, Tòa án, chính quyền địa phương, Công an xã. Nếu có người có hành vi cản trở, Hội đồng định giá cần đề nghị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc người có hành vi thực hiện hoặc không thực hiện hành vi nào đó tương ứng với Điều 127 BLTTDS.
Thứ ba, cần hoàn thiện quy định của pháp luật trong việc thẩm định, định giá tài sản cụ thể về mức chi đối với thành viên hội đồng, có hạn mức để thu chi đối với những vụ án thẩm định, định giá theo từng trường hợp cụ thể. Đối với các trường hợp phải định giá lại hoặc thẩm định tại chỗ lại không phải do lỗi của đương sự thì cần có quy định cụ thể ai là người phải chịu chi phí thẩm định, định giá trong trường hợp này.
Trên đây là một số vướng mắc và đề xuất hướng giải quyết trong hoạt động thẩm định giá tài sản trong Tố tụng Dân sự, mong được sự đóng góp ý kiến của các đồng nghiệp./.
Nguyễn Thị Bích Ngọc – Kiểm sát viên Viện KSND TP Việt Trì.
Trần Xuân Hùng – Phó viện trưởng Viện KSND TP Việt Trì.
Tin khác
- Viện KSND thành phố Việt Trì: 2 năm liên tục đón nhận "Cờ thi đua dẫn đầu khối"
- Viện KSND TP Việt Trì thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo tại chỗ.
- Viện KSND TP Việt Trì ban hành Kiến nghị khắc phục vi phạm pháp luật trong công tác giải quyết các vụ việc dân sự
- Viện KSND thành phố Việt Trì tích cực hưởng ứng, tham gia ngày hội hiến máu tình nguyện“Giọt hồng thành phố ngã ba sông”
- Ảnh Hội thao truyền thống lần thứ IV (26/7/1960 - 26/7/2020)
- Ảnh Đại hội Đảng bộ VKSND tỉnh Phú Thọ nhiệm kỳ 2020 - 2025
- Ảnh Hội thao truyền thống lần thứ III (26/7/1960 - 26/7/2019)
- Cán bộ nữ công VKS 2 cấp dâng hương tượng đài đồng chí Hoàng Quốc Việt năm 2019
- Ảnh cán bộ nữ công VKS tỉnh Phú Thọ tưởng niệm và báo công dâng Bác tại K9
- Thời hiệu khởi kiện áp dụng theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
-
Giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự
-
Một số vướng mắc khi áp dụng, thi hành hình phạt Cải tạo không giam giữ, quy định tại Điều 36 BLHS
-
Chi bộ Văn phòng tổng hợp tổ chức sinh hoạt chuyên đề Quý II/2020
-
Trao đổi về thủ tục niêm yết văn bản tố tụng dân sự của tòa án
-
Vướng mắc trong việc áp dụng quy định về giữ người trong trường hợp khẩn cấp
-
Một số vướng mắc khi áp dụng quy định của BLHS 2015, sửa đổi 2017 về tội Tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy