Viện kiểm sát cấp huyệnVKSND TP Việt Trì
Bàn về chuyển vật chứng là tiền từ tài khoản tạm giữ của Công an sang tài khoản tạm giữ của Chi cục THADS khi nào?
09:27 - Thứ Tư, 20/11/2019
Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.
Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội như xe môtô, xe ôtô, máy cắt…; vật mang dấu vết tội phạm như như con dao dính máu, vật mang vết trầy xước do sự va chạm với vật cứng khác, chiếc khóa có dấu vân tay của người bị nghi thực hiện tội phạm…; vật là đối tượng của tội phạm như: chiếc tivi trong vụ trộm cắp là đối tượng của hành vi trộm cắp, pháo trong vụ vẫn chuyển hàng cấm…; tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội.
Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến việc bảo quản vật chứng thu giữ là tiền, không lưu dấu vết tội phạm và không được Công an, Viện kiểm sát quyết định xử lý vật chứng trong giai đoạn điều tra, truy tố bị can trước Tòa án.
Theo điểm b khoản 1 Điều 90 Bộ luật Tố tụng hình sự đã quy định rõ hơn Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 về việc bảo quản vật chứng là tiền. Theo quy định của pháp luật hiện hành, vật chứng là tiền ngay sau khi thu thập và phải chuyển ngay để bảo quản tại Kho bạc Nhà nước hoặc các cơ quan chuyên trách khác theo quy định.
Điểm b khoản 1 Điều 90 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định:
“b) Vật chứng là tiền, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, vũ khí quân dụng phải được giám định ngay sau khi thu thập và phải chuyển ngay để bảo quản tại Kho bạc Nhà nước hoặc cơ quan chuyên trách khác. Nếu vật chứng là tiền, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ lưu dấu vết của tội phạm thì tiến hành niêm phong theo quy định tại điểm a khoản này; vật chứng là vi khuẩn nguy hại, bộ phận cơ thể người, mẫu mô, mẫu máu và các mẫu vật khác của cơ thể người được bảo quản tại cơ quan chuyên trách theo quy định của pháp luật”.
“a) Đối với tiền mặt nộp tại Kho bạc Nhà nước: Kho bạc Nhà nước kiểm đếm xác định giá trị tài sản và hạch toán vào tài khoản tạm giữ chờ xử lý của đơn vị tại Kho bạc Nhà nước theo quy định tại Thông tư số 77/2017/TT-BTC ngày 28/7/2017 của Bộ Tài chính”.
Hiện nay, trong quá trình bắt quả tang, khám xét… Cơ quan điều tra tạm giữ tiền. Sau khi thu giữ, Cơ quan điều tra đã nộp vào tài khoản tạm giữ của Công an tại Kho bạc Nhà nước theo quy định. Sau khi kết thúc điều tra vụ án, Viện kiểm sát quyết định truy tố bị can trước Tòa án và Quyết định chuyển vật chứng từ kho vật chứng của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thành phố Việt Trì đến kho vật chứng của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Việt Trì. Tuy nhiên, việc chuyển tài sản, vật chứng là tiền vào tài khoản tạm giữ của Công an tại Kho bạc Nhà nước hiện nay có 2 quan điểm khác nhau:
Quan điểm thứ nhất: Viện kiểm sát ra Quyết định chuyển vật chứng trong đó quyết định chuyển cả tiền từ tài khoản tạm giữ của Công an sang tài khoản tạm giữ của Chi cục thi hành án dân sự.
Bởi lẽ, theo quy định tại mục 8 Điều 1 Nghị định số 70/2013/NĐ-CP ngày 02/7/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý kho vật chứng ban hành kèm theo Nghị định số 18/2002/NĐ-CP ngày 18/02/2002 của Chính phủ thì khoản 3 Điều 9 Nghị định số 18/2002/NĐ-CP ngày 18/02/2002 của Chính phủ được sửa đổi, bổ sung như sau:
“3. Cơ quan đang thụ lý vụ án có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan đang bảo quản vật chứng tổ chức vận chuyển, bảo quản, bảo vệ vật chứng, đồ vật, tài liệu khác thu thập được của vụ án từ kho vật chứng này đến kho vật chứng khác hoặc trong quá trình trực tiếp sử dụng để phục vụ điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.”
Như vậy, thực hiện quyết định chuyển vật chứng của Viện kiểm sát, Công an sẽ chuyển số tiền đó từ tài khoản tạm giữ của Công an sang tài khoản tạm giữ của Chi cục thi hành án dân sự. Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, Chi cục thi hành án dân sự sẽ quyết định thi hành án theo quyết định của bản án.
Quan điểm thứ hai: Viện kiểm sát chỉ ra Quyết định chuyển vật chứng như điện thoại, ma túy còn lại sau giám định, dao… còn đối với tiền đang tạm giữ tại tài khoản tạm giữ của Công an thì chỉ ghi nhận trong Cáo trạng và nhận định trong bản luận tội. Đến giai xét xử, trong bản án của Tòa án quyết định xử lý tài sản là tiền đó như: Tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hay trả lại cho chủ sở hữu và yêu cầu Công an chuyển số tiền đó cho Cơ quan thi hành án dân sự. Khi bản án có hiệu lực pháp luật, Cơ quan thi hành án sẽ có công văn gửi Công an. Công an trên cơ sở bản án, công văn đó sẽ ban hành quyết định về việc xử lý tiền trên tài khoản bằng cách chuyển từ tài khoản tạm giữ của Công an sang tài khoản của Chi cục thi hành án dân sự.
Việc thực hiện như trên phù hợp với quy định tại Điều 7 Thông tư 135/2018/TT-BTC ngày 28 tháng 12 năm 2018 của Bộ tài chính quy định về việc quản lý đối với tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý tạm gửi do Kho bạc Nhà nước nhận bảo quản quy định về hồ sơ, trình tự Kho bạc Nhà nước giao tài sản:
“1. Hồ sơ Kho bạc Nhà nước giao tài sản: Khi nhận lại tài sản, bên gửi phải có các loại giấy tờ sau:
a) Công văn đề nghị nhận tài sản (Mẫu số 01 tại Phụ lục kèm theo Thông tư này).
b) Quyết định xử lý tài sản của cấp có thẩm quyền.
c) Phương án xử lý tài sản của cơ quan, người có thẩm quyền.
d) Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân của người nhận tài sản”.
Theo quy định tại Điều 68 Thông tư số 77/2017/TT-BTC ngày 28/7/2017 của Bộ Tài chính thì: “Đối với các khoản tạm thu, tạm giữ khi có quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền thì xử lý ngay theo quyết định cuối cùng đó, nếu chưa có quyết định xử lý thì chuyển số dư sang năm sau để tiếp tục theo dõi, xử lý”.
Như vậy quyết định xử lý có nghĩa là Tòa án đã quyết định tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hay trả lại cho chủ sở hữu. Với những hồ sơ như quy định tại Thông tư 135/2018/TT-BTC thì sau khi bản án có hiệu lực pháp luật Cơ quan thi hành sẽ ban hành Công văn gửi Công an; Công an trên cơ sở Công văn đó và bản án của Tòa (Có phương án xử lý tài sản) sẽ ban hành quyết định xử lý tài sản chuyển vào tài khoản của Chi cục thi hành án.
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì tác giả nhận thấy quan điểm thứ hai là phù hợp vì số tiền đó vẫn bảo quản tại tài khoản tạm giữ gửi tại Kho bạc Nhà nước.
Tuy nhiên, để đơn giản hơn trong quá trình chuyển tiền từ tài khoản tạm giữ từ cơ quan này sang cơ quan khác thì quyết định xử lý tài sản trong hồ sơ đề nghị chuyển từ tài khoản tạm giữ của Công an tại Kho bạc Nhà nước sang tài khoản tạm giữ của Chi cục thi hành án dân sự theo Điều 7 Thông tư 135/2018/TT-BTC ngày 28 tháng 12 năm 2018 của Bộ tài chính có thể hiểu là xử lý tiền trong tài khoản chứ không phải xử lý đối với số tiền đó như thế nào (Tịch thu sung công hay trả lại…).
Do pháp luật chưa quy định cụ thể việc chuyển tiền trong tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước thời điểm nào nên dẫn đến nhiều cách chuyển số tiền đó khác nhau cần được hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp trong thời gian tới.
Tin khác
- Ban pháp chế giám sát VKSNDTP Việt Trì về giải quyết án HC, DS liên quan đến đất đai
- VKSND TP Việt Trì số hóa hồ sơ vụ án hình sự tại phiên tòa sơ thẩm
- VKSND phối hợp với TAND thành phố Việt Trì tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm vụ án hình sự
- Lễ công bố và trao Quyết định bổ nhiệm Viện trưởng VKSND thành phố Việt Trì
- Ảnh Hội thao truyền thống lần thứ IV (26/7/1960 - 26/7/2020)
- Ảnh Đại hội Đảng bộ VKSND tỉnh Phú Thọ nhiệm kỳ 2020 - 2025
- Ảnh Hội thao truyền thống lần thứ III (26/7/1960 - 26/7/2019)
- Cán bộ nữ công VKS 2 cấp dâng hương tượng đài đồng chí Hoàng Quốc Việt năm 2019
- Ảnh cán bộ nữ công VKS tỉnh Phú Thọ tưởng niệm và báo công dâng Bác tại K9
- Thời hiệu khởi kiện áp dụng theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
-
Giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự
-
Một số vướng mắc khi áp dụng, thi hành hình phạt Cải tạo không giam giữ, quy định tại Điều 36 BLHS
-
Chi bộ Văn phòng tổng hợp tổ chức sinh hoạt chuyên đề Quý II/2020
-
Trao đổi về thủ tục niêm yết văn bản tố tụng dân sự của tòa án
-
Vướng mắc trong việc áp dụng quy định về giữ người trong trường hợp khẩn cấp
-
Một số vướng mắc khi áp dụng quy định của BLHS 2015, sửa đổi 2017 về tội Tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy