Viện kiểm sát cấp huyệnVKSND TP Việt Trì

VKSND thành phố Việt Trì với công tác kiểm sát thi hành án hình sự 6 tháng đầu năm 2019

08:23 - Thứ Năm, 23/05/2019

         Thực hiện kế hoạch công tác kiểm sát thi hành án hình sự năm 2019, từ ngày 18 đến 22 tháng 3 năm 2019, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Việt Trì tiến hành trực tiếp kiểm sát công tác thi hành án hình sự đối với Ủy ban nhân dân các phường Tân Dân, Dữu Lâu, Vân Phú, Thọ Sơn và Ủy ban nhân dân xã Trưng Vương. Một điều dễ nhận thấy đó là qua 8 năm thực hiện Luật thi hành án hình sự (01/7/2011), công tác quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án của Ủy ban nhân dân cấp xã đã được nâng lên, có nhiều tiến bộ, đặc biệt tại Ủy ban nhân dân phường- nơi có đội ngũ tham mưu là Công an chính quy. Nếu tại thời điểm trước công tác thi hành án hình sự chưa được Ủy ban nhân dân cấp xã quan tâm, những tồn tại như: không ra quyết định phân công người giám sát, giáo dục; định kỳ không yêu cầu người chấp hành án viết bản tự nhận xét chấp hành án; hoặc người được giao quản lý, giám sát giáo dục không nhận xét đúng thời hạn 3 tháng một lần, sử dụng sai biểu mẫu nghiệp vụ, chế độ thông tin hai chiều của Ủy ban nhân dân với Cơ quan thi hành án hình sự chưa được thực hiện…thì đến nay, những tồn tại trên cơ bản đã được khắc phục, nguyên nhân một phần do sự nhìn nhận, đánh giá tầm quan trọng đối với công tác thi hành án hình sự của Lãnh đạo Ủy ban nhân dân và cán bộ làm công tác thi hành án hình sự xã, phường đã được nâng lên, mặt khác cũng do qua công tác trực tiếp kiểm sát hàng năm của Viện kiểm sát nhân dân thành phố, bên cạnh mục tiêu hoàn thành kế hoạch cuộc kiểm sát đề ra, Viện kiểm sát thành phố luôn xác định mục đích cuối cùng của công tác kiểm sát là đảm bảo pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh, thống nhất. Nếu công tác giám sát, quản lý, giáo dục người chấp hành án của Ủy ban nhân dân xã, phường được thực hiện tốt thì những phán quyết của Tòa án mới đạt được, vì mục đích của hình phạt cải tạo tại cộng đồng chủ yếu nhằm giáo dục, cảm hóa người phạm tội, giúp họ sớm tái hòa nhập cộng đồng, do vậy song song với cuộc trực tiếp kiểm sát tại Ủy ban nhân dân xã, phường Viện kiểm sát nhân dân thành phố luôn tận tình giải đáp, hướng dẫn cán bộ trực tiếp làm công tác thi hành án hình sự tại Ủy ban nhân dân xã, phường có cách hiểu đúng các quy định của pháp luật về công tác thi hành án hình sự, trao đổi về cách quản lý người chấp hành án khoa học, hiệu quả, do vậy nhận thức của trong cán bộ làm công tác thi hành án hình sự tại Ủy ban nhân dân xã, phường những năm gần đây cơ bản đã được nâng lên, hoạt động quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án đã đi vào quy củ, thực chất hơn. Cách làm này của Viện kiểm sát nhân dân thành phố nhận được sự đánh giá cao của Ủy ban nhân dân xã, phường, góp phần nâng cao vị thế của ngành Kiểm sát nhân dân tại địa phương.
 
         Với phương châm thực chất, hiệu quả, từ năm 2016 đến nay, thay vì chỉ làm việc với Ủy ban nhân dân cấp xã tại cuộc kiểm sát, Viện kiểm sát nhân dân thành phố còn trực tiếp làm việc với người chấp hành án tại đơn vị được kiểm sát trong cùng thời điểm. Thực tế cho thấy đây là cách làm hay, hiệu quả, điều này giúp Đoàn kiểm sát nắm được thông tin hai chiều từ Ủy ban nhân dân cấp xã và người chấp hành án, phản ánh được thông tin trung thực, chính xác nhất. Qua cách làm này, Viện kiểm sát nhân dân thành phố đã phát hiện được nhiều vi phạm, đặc biệt đối với những hồ sơ đủ điều kiện xét miễn giảm nhưng Ủy ban nhân dân xã, phường không lập hồ sơ xét giảm thời hạn chấp hành án treo, rút ngắn thời hạn cải tạo không giam giữ cho người chấp hành án để ban hành kiến nghị đề nghị lập hồ sơ, đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho người chấp hành án, qua đó kịp thời động viên, khích lệ đối với người chấp hành án có nhiều tiến bộ, tích cực cải tạo, hòa nhập cộng đồng, đồng thời cũng tạo động lực cho những người chấp hành án chưa tiến bộ có động lực phấn đấu, cải tạo tốt. Điều này nếu Viện kiểm sát chỉ tiếp cận trên hồ sơ, sổ sách và làm việc một chiều với Ủy ban nhân dân xã, phường thì khó có thể phát hiện được. Do vậy tỷ lệ hồ sơ được Ủy ban nhân dân xã, phường và Cơ quan thi hành án hình sự - Công an thành phố lập đề nghị xét giảm hàng năm đều khá cao. Tại đợt kiểm sát lần này, tiếp tục phát huy ưu điểm cách làm trên, Viện kiểm sát nhân dân thành phố đã ban hành 01 bản kiến nghị đối với Ủy ban nhân dân xã Trưng Vương về một số nội dung trong đó có việc không lập hồ sơ xét giảm thi hành án với những hồ sơ đủ điều kiện, được Ủy ban nhân dân xã nghiêm túc tiếp thu, rút kinh nghiệm.
 
         Tuy có nhiều tiến bộ so với thời điểm trước đây song trong công tác thi hành án hình sự tại Ủy ban nhân dân, đặc biệt là Ủy ban nhân dân xã vẫn còn nhiều tồn tại, có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân cơ bản là yếu tố con người. Qua công tác trực tiếp kiểm sát cho thấy cán bộ làm công tác thi hành án hình sự tại Ủy ban nhân dân xã đa số chưa qua đào tạo trình độ luật học, bên cạnh đó với chế độ đãi ngộ thấp, lượng đầu công việc ngày càng có xu hướng tăng, để đáp ứng với hoạt động thi hành án hình sự là bài toán khó. Mặt khác với cơ chế hoạt động bán chuyên trách, Ban Công an xã thường có sự biến động, thay đổi về con người, cán bộ làm công tác thi hành án hình sự, trong khi Công an là bộ phận tham mưu trực tiếp cho Ủy ban nhân dân xã trong thi hành án hình sự. 
 
         Bên cạnh yếu tố con người, chính sách, nguyên nhân dẫn đến tồn tại trong công tác thi hành án hình sự còn do các quy định của pháp luật về thi hành án hình sự hiện nay còn tản mạn, chưa có sự điều chỉnh với sự thay đổi, bổ sung của các luật liên quan như Bộ luật hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, từ khi Luật thi hành án hình sự có hiệu lực thi hành đến nay chưa có một văn bản pháp lý nào hướng dẫn các quy định của Luật thi hành án hình sự, qua thực tế công tác kiểm sát, Viện kiểm sát thành phố xin nêu lên một số tồn tại, đó là:
 
         Thứ nhất: Theo quy định tại khoản 5 Điều 65 Bộ luật Hình sự hiện hành, trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án cho hưởng án treo. Đây là quy định mới của Bộ luật hình sự, tương ứng với đó là một nhiệm vụ mới của Ủy ban nhân dân xã, phường trong giám sát, giải quyết, trường hợp này, ít ra là việc thông tin, báo cáo với Cơ quan thi hành án hình sự để kịp thời lập hồ sơ khi người chấp hành án có vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên, nhưng Luật thi hành án hình sự hiện hành chưa có quy định về nội dung xử lý chuyển án treo thành hình phạt tù khi người chấp hành án treo vi phạm. Chưa có sự hướng dẫn về cách xác định số lần vi phạm nghĩa vụ của người chấp hành án theo Điều 64 Luật thi hành án hình sự. Vì theo Điều 64 người chấp hành án có nhiều nghĩa vụ khác nhau, như:
 
         “1. Chấp hành nghiêm chỉnh cam kết của mình trong tuân thủ pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, nội quy, quy chế của nơi cư trú, làm việc; tích cực tham gia lao động, học tập; chấp hành đầy đủ các hình phạt bổ sung, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại.
 
         2. Phải có mặt theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục.
 
         3. Trường hợp người được hưởng án treo đi khỏi nơi cư trú từ 01 ngày trở lên thì phải khai báo tạm vắng.
 
         4. Ba tháng một lần trong thời gian thử thách người được hưởng án treo phải nộp bản tự nhận xét về việc chấp hành pháp luật cho người trực tiếp giám sát, giáo dục; trường hợp đi khỏi nơi cư trú từ 3 tháng đến 06 tháng thì phải có nhận xét của Công an cấp xã nơi người đó đến lưu trú hoặc tạm trú để trình với Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục người đó.”.
 
         Theo quy định trên: Xác định thế nào là một lần người chấp hành án vi phạm nghĩa vụ chưa chấp hành hình phạt bổ sung, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại … Để có cơ sở pháp lý cần pháp điển hóa quy định về xử lý người chấp hành án cố tình vi phạm nghĩa vụ chấp hành án vào Luật thi hành án hình sự và có sự hướng dẫn cách xác định số lần vi phạm nghĩa vụ của người chấp hành án.
 
       Thứ hai: Cũng là một nội dung mới theo Bộ luật Hình sự, theo tinh thần tại Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24/4/2018 của Tòa án nhân dân tối cao thì Ủy ban nhân dân xã, phường còn thêm một nhiệm vụ mới nữa là quản lý, giám sát người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, trong đó người được tha tù trước thời hạn có điều kiện phải chấp hành một số nghĩa vụ trong thời gian thử thách, đây thuộc phạm vi của Công tác thi hành án hình sự. Tuy nhiên, nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân cấp xã và nghĩa vụ của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện không được quy định trong Luật thi hành án hình sự và bất kỳ một đạo luật nào khác, hiện mới dừng lại ở hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24/4/2018 Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao như thế nào là vi phạm nghĩa vụ, về mặt pháp lý Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là văn bản hướng dẫn áp dụng luật, trong khi luật chưa quy định quyền hạn cho Ủy ban nhân dân cấp xã và nghĩa vụ của người chấp hành án tha tù có điều kiện thì hướng dẫn liệu có phù hợp.
 
         Do đó, trong thời gian sửa đổi Luật thi hành án hình sự sắp tới cần bổ sung quy định về nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân cấp xã và nghĩa vụ của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện vào Luật thi hành án hình sự, tạo cơ sở pháp lý, đồng thời tạo sự nhất quán, dễ thực hiện đối với cấp xã, qua đó nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hình sự.
 
         Thứ ba: 
 
         - Luật thi hành án hình sự không quy định cơ chế giải quyết trường hợp người được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chết trong thời gian chấp hành hình phạt, do đó khi thực tế xảy ra Quyết định thi hành án đối với người đó vẫn tồn taị chưa có quy định giải quyết. 
 
         - Luật thi hành án hình sự chưa quy định cụ thể trường hợp người chấp hành án cải tạo không giam giữ thay đổi nơi cư trú trong thời gian chấp hành án, nên thực tế xảy ra thường phải vận dụng Điều 69 Luật thi hành án hình sự về án treo, dẫn đến xung đột về quan điểm.
 
         - Luật thi hành án hình sự quy định người được hoãn thi hành án được giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú quản lý nhưng không quy định Tòa án ra Quyết định hoãn thi hành hình phạt tù phải được gửi cho Ủy ban nhân dân xã đó trong luật nên Ủy ban nhân dân xã không nắm được để quản lý. 
 
         Trên đây là đôi chút kinh nghiệm trong công tác kiểm sát thi hành án hình sự và những tồn tại trong các quy định của pháp luật về thi hành án hình sự hiện nay, Viện kiểm sát nhân dân thành phố xin nêu lên trao đổi cùng đồng nghiệp.
 
 
                                                                                                         Mã Văn Hùng - VKSND tp.Việt Trì