Viện kiểm sát cấp huyệnVKSND TP Việt Trì

Trao đổi về thủ tục niêm yết văn bản tố tụng dân sự của tòa án

11:01 - Thứ Tư, 04/07/2018

         Việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng là hoạt động tố tụng có ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả và thời hạn tố tụng giải quyết vụ việc dân sự. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, trong trường hợp không thể cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp văn bản tố tụng cho cá nhân, cho cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 177 và Điều 178 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì Tòa án thực hiện việc niêm yết công khai văn bản tố tụng. 
         Khoản 2 Điều 179 Bộ luật tố tụng dân sự quy định:
         “2. Việc niêm yết công khai văn bản tố tụng do Tòa án trực tiếp thực hiện hoặc ủy quyền cho người có chức năng tống đạt hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đương sự cư trú, nơi cơ quan, tổ chức có trụ sở thực hiện theo thủ tục sau đây:
         a) Niêm yết bản chính tại trụ sở Tòa án, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của cá nhân, nơi có trụ sở hoặc trụ sở cuối cùng của cơ quan, tổ chức được cấp, tống đạt, thông báo;
         b) Niêm yết bản sao tại nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của cá nhân, nơi có trụ sở hoặc trụ sở cuối cùng của cơ quan, tổ chức được cấp, tống đạt, thông báo;
         c) Lập biên bản về việc thực hiện thủ tục niêm yết công khai, trong đó ghi rõ ngày, tháng, năm niêm yết”.
         Khoản 1 Điều 12 Luật cư trú năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2013 quy định: 
         “Nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.
         Chỗ ở hợp pháp là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật…”.
         Khoản 1, khoản 3 Điều 5 Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18-4-2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú, quy định:
         “1. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. Mỗi công dân chỉ được đăng ký thường trú tại một chỗ ở hợp pháp và là nơi thường xuyên sinh sống.
Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu, sử dụng của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật. Đối với chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn hoặc ở nhờ của cá nhân, tổ chức tại thành phố trực thuộc trung ương phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND thành phố.
         …3. Chỗ ở hợp pháp bao gồm: a) Nhà ở; b) Tàu, thuyền, phương tiện khác nhằm mục đích để ở và phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân; c) Nhà khác không thuộc Điểm a, Điểm b Khoản này nhưng được sử dụng nhằm mục đích để ở và phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân”.
         Trong phạm vi bài viết này, tác giả nêu ra quan điểm về việc niêm yết văn bản của Tòa án như: Thông báo thụ lý vụ án, giấy báo đương sự, quyết định đưa vụ án ra xét xử, quyết định hoãn phiên tòa… để thông báo cho đương sự là cá nhân thông qua một vụ án cụ thể sau đây:
         Tháng 12/2017, chị Nguyễn Thị T khởi kiện xin ly hôn với anh Nguyễn Mạnh H, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở hiện nay: Tổ 14, khu 8, phường G, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ; về con chung: Vợ chồng có 01 con chung là cháu Nguyễn Quỳnh V - sinh ngày 22/5/2012. Hiện tại, cháu V đang ở cùng anh H tại tổ 14, khu 8, phường G. Khi ly hôn chị Tâm xin được nuôi con và không yêu cầu anh Hải đóng góp tiền cấp dưỡng nuôi con; về tài sản chung, nợ chung, công sức đóng góp: Chị Tâm không đề nghị Tòa án giải quyết.
         Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải nhưng không thành vì lý do anh Hải vắng mặt. Ngày 09/5/2018, Tòa án mở phiên tòa nhưng anh H vắng mặt nên Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa và ấn định ngày mở lại phiên tòa vào ngày 23/5/2018. Đến ngày 23/5/2018, anh H vẫn vắng mặt tại phiên tòa, Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt anh Hải với lý do đã triệu tập hợp lệ lần thứ hai. Kết quả: Chấp nhận đơn ly hôn của chị T đối với anh H; về con chung: Giao cháu V cho chị T trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, anh H không phải đóng góp tiền cấp dưỡng nuôi con; về tài sản chung, nợ chung, công sức đóng góp: Không đề nghị Tòa án giải quyết và chị Tâm phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.
         Theo hồ sơ vụ án, thông báo thụ lý vụ án và giấy báo đương sự, thông báo về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và quyết định đưa vụ án ra xét xử trước khi tiến hành niêm yết, Tòa án có biên bản về việc anh H ở địa phương nhưng không nhận hoặc có lần bố anh H nhận thay nhưng ông bố anh H từ chối kí vào biên bản. Đối với biên bản về kiểm tra việc giao nộp tiếp cận công khai chứng cứ và quyết định hoãn phiên tòa, trong hồ sơ không có tài liệu nào thể hiện việc tòa án đã làm mọi biện pháp nhưng không thể cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp các tài liệu này cho anh Hải. Tòa án đã tiến hành niêm yết. Khi Tòa án niêm yết các văn bản trên đều thể hiện dấu niêm yết tại trụ sở Tòa án, UBND phường G và nhà văn hóa khu 8, phường G.
 
 
 
Trụ sở Nhà văn hóa Khu 8 - phường Gia Cẩm (Ảnh minh họa)
 
         Khi kiểm sát việc việc giải quyết vụ án có nhiều quan điểm khác nhau về việc niêm yết của Tòa án:
         Quan điểm thứ nhất: Tòa án đã tiến hành niêm yết văn bản đúng quy định của pháp luật, anh H vắng mặt là do anh cố tình trốn tránh không có mặt theo giấy báo, giấy triệu tập của Tòa án được thể hiện qua biên bản do Tòa án lập, bố anh H nhận thay nhưng không kí Tòa án có biên bản thể hiện ở anh địa phương nhưng không nhận văn bản.
         Quan điểm thứ hai: Tòa án niêm yết văn bản tố tụng, thông báo, giấy báo đương sự tại trụ sở Tòa án, UBND phường G là đúng nhưng niêm yết tại nhà văn hóa khu 8, phường G chưa đảm bảo đúng quy định tại Điều 179 BLTTDS. Bởi lẽ, mục đích của việc niêm yết là thông báo cho đương sự biết để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Theo tài liệu xác minh, hiện nay anh H vẫn đang sinh sống tại địa phương, có nhà ở riêng. Nơi cư trú của anh Hải phải là nhà anh H, chứ không phải là tại nhà văn hóa khu 8 - phường G theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật cư trú năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2013 và khoản 1, khoản 3 Điều 5 Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18-4-2014 của Chính phủ. Vì vậy, việc niêm yết ở nhà văn hóa khu 8 - phường G chứ không phải nhà anh Hải sẽ không đảm bảo được việc thông báo cho anh Hải biết được chứng cứ, ngày Tòa án triệu tập, ngày Tòa án mở phiên tòa… 
         Quan điểm thứ ba: 
         - Đối với Thông báo thụ lý vụ án và giấy báo đương sự, thông báo về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và quyết định đưa vụ án ra xét xử của Tòa án tại trụ sở Tòa án, UBND phường G là đúng nhưng niêm yết tại nhà văn hóa khu 8, phường G chưa đảm bảo đúng quy định tại Điều 179 BLTTDS (Với lý do như trên) nhưng trước khi tiến hành niêm yết, Tòa án đã có biên bản về việc anh H ở địa phương nhưng không nhận hoặc bố anh Hải nhận thay nhưng từ chối kí vào biên bản. Như vậy, anh H biết về những thông báo, giấy báo của Tòa án nên dù tòa án niêm yết tại khu dân cư nhưng vẫn có thể xem làm hợp pháp. 
         - Đối với biên bản về kiểm tra việc giao nộp tiếp cận công khai chứng cứ và quyết định hoãn phiên tòa, Tòa án tiến hành niêm yết ở nhà văn hóa khu nhưng hồ sơ chưa có tài liệu nào thể hiện không thể cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp các tài liệu này cho anh H. Vì vậy việc niêm yết ở nhà văn hóa khu 8 - phường G chứ không phải nhà anh H sẽ không đảm bảo được việc thông báo cho anh H biết được nội dung biên bản công khai chứng cứ và ngày Tòa án mở lại phiên tòa. 
         Tuy nhiên, theo tài liệu xác minh của Viện kiểm sát sau khi xét xử vụ án đối với anh H và bố đẻ anh H, anh H được trưởng khu giao 01 thông báo về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ; bố đẻ anh H được giao 01 văn bản nhưng ông không nhớ là văn bản gì trong cuộc họp chi bộ tháng 3/2018 ở khu. Trong quá trình giải quyết vụ án, anh H cho rằng anh H chỉ gặp thẩm phán, thư ký Tòa án duy nhất 01 lần tại Công an phường G và không được nhận hay biết việc niêm yết của Tòa án nên anh không có mặt và không biết việc Tòa án giải quyết vụ án. 
         Như vậy, việc niêm yết của Tòa án chưa đảm bảo đúng quy định đã ảnh hưởng đến quyền của bị đơn trong việc biết, tham dự phiên tòa và thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình đặc biệt trong việc được nuôi dưỡng, chăm sóc cháu Nguyễn Quỳnh V. 
        Trên đây là khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự về việc niêm yết văn bản tố tụng của Tòa án, tác giả xin nêu ra để bạn đọc trao đổi, thảo luận, cho ý kiến để cùng rút kinh nghiệm trong công tác kiểm sát, đảm bảo việc thực hiện tốt chức năng kiểm sát. 
 
 
                                                                                             Lê Thị Thanh Hải - KSV  VKSND tp.Việt Trì
 
 
Quan điểm của Ban biên tập là: trong trường hợp này, Tòa án vẫn xét xử bình thường và việc xét xử như vậy là đúng pháp luật. quan điểm thứ 2 và thứ 3 có nhận định như nhau. Áp dụng quan điểm thứ 3.