Viện kiểm sát cấp huyệnVKSND TP Việt Trì
Một số vướng mắc khi áp dụng quy định của BLHS 2015, sửa đổi 2017 về tội Tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy
02:52 - Thứ Hai, 11/06/2018
Các tội phạm về ma túy được quy định tại Chương XX của Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017 gồm 13 Điều, từ Điều 247 đến Điều 259. So với Bộ luật hình sự 1985 (được sửa đổi, bổ sung năm 1997), Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), các tội phạm về ma túy trong Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017 được sửa đổi, bổ sung một cách cơ bản, toàn diện, khẳng định chính sách hình sự nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh đối với loại tội phạm ma túy. Nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng nhất là tách 4 hành vi: Tàng trữ, vận chuyển, mua bán và chiếm đoạt trái phép chất ma túy từ một tội ghép thành bốn tội độc lập (như Bộ luật hình sự năm 1985), tương ứng với bốn tội khác nhau là hình phạt khác nhau: Tội Tàng trữ trái phép chất ma túy, mức hình phạt nhẹ nhất, khoản 1 có khung hình phạt từ 1 đến 5 năm tù, khung hình phạt cao nhất đến tù chung thân. Tội Mua bán trái phép chất ma túy, khoản 1 có mức hình phạt từ 2 đến 7 năm tù, khung hình phạt cao nhất đến chung thân, tử hình. Tội Vận chuyển trái phép chất ma túy, khoản 1 mức hình phạt từ 2 đến 7 năm tù, khung hình phạt cao nhất đến chung thân, tử hình. Tội chiếm đoạt trái phép chất ma túy, khoản 1 có mức hình phạt từ 1 đến 5 năm tù, khung hình phạt cao nhất đến tù chung thân.
Phạm vi bài viết này xin được trao đổi về thực tiễn áp dụng đối với hai tội Tàng trữ trái phép chất ma túy và Mua bán trái phép chất ma túy, là hai loại tội đang diễn ra phổ biến và có nhiều quan điểm chưa thống nhất trong xác định tội danh giữa các cán bộ, cơ quan, người tiến hành tố tụng cấp cơ sở. Có thể khẳng định các điều luật về ma túy của Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017 đã quy định cụ thể, chi tiết thành các điều luật riêng biệt tạo điều kiện thuận lợi cho việc định tội và cá thể hóa hình phạt. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng các tội phạm về tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy theo quy định của Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017 thời gian qua cho thấy những vướng mắc, xung đột cần được giải quyết, cụ thể như sau:
Tội Tàng trữ trái phép chất ma túy, mức hình phạt nhẹ nhất khoản 1 có khung hình phạt từ 1 đến 5 năm tù, trong khi Mua bán trái phép chất ma túy, khoản 1 từ có mức hình phạt nhẹ nhất từ 2 đến 7 năm tù. Quy định trên thể hiện sự đánh giá tính nguy hiểm của tội Tàng trữ trái phép chất ma túy nhẹ hơn so với tội Mua bán trái phép chất ma túy, chính điều này là nguyên nhân gây ra một số vướng mắc trong giải quyết vụ án mà trước đây áp dụng Điều 194 Bộ luật hình sự 1999 không gặp phải.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 249 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017: “...Tàng trữ trái phép chất ma túy là…không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy”. Điều đó có nghĩa là nếu một người tàng trữ trái phép chất ma túy nhằm mục đích mua bán thì không phạm tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Không phải tinh thần quy định này chưa được giải thích trong văn bản pháp luật, đó là: tại Thông tư liên tịch 17/2007/TTLT-BCA-VKSTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao- Tòa án nhân dân tối cao- Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật hình sự năm 1999 đã hướng dẫn: Mua bán trái phép chất ma túy gồm nhiều hành vi trong đó có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác. Do vậy, theo Hướng dẫn tại Thông tư 17, khi xác định được một người tàng trữ trái phép chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác thì người đó phạm tội Mua bán trái phép chất ma túy, tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng Thông tư 17 hướng dẫn áp dụng Bộ luật hình sự 1999, đến nay Bộ luật hình sự 1999 đã hết hiệu lực. Trong khi chưa có hướng dẫn cụ thể đối với các tội phạm về ma túy của Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, ảnh hưởng nhiều đến việc xác định tội danh, đặc biệt khi mà tội tàng trữ và mua bán trái phép chất ma túy có mức hình phạt khác nhau. Để né trách trách nhiệm hình sự về tội hoặc hình phạt nặng hơn, mặt khác do quy định mới của Luật tạm giữ, tạm giam, bị can có quyền tiếp xúc với thân nhân, người bào chữa cởi mở hơn trước kia nên không loại trừ trường hợp sau khi được tư vấn bị can có thể thay đổi lời khai tại bất kỳ giai đoạn tố tụng nào theo hướng có lợi cho họ. Do đó vấn đề nhất quán trong định tội danh giữa tàng trữ và mua bán trái phép chất ma túy theo quy định của Bộ luật hình sự 2015 ngay sau khi xác định được toàn bộ hành vi khách quan, động cơ, mục đích có ý nghĩa quan trọng, thiết thực đối với công tác kiểm sát điều tra, truy tố.
Thực tiễn hiện nay xảy ra trường hợp: Toàn bộ quá trình điều tra, truy tố bị can khai nhận tàng trữ trái phép chất ma túy mục đích ai mua thì bán, nhưng cơ quan tố tụng đánh giá chứng cứ cho rằng: Ngoài lời khai của bị can không xác định được người mua cụ thể nên không đủ căn cứ xác định bị can phạm tội Mua bán mà bị can chỉ phạm tội Tàng trữ trái phép chất ma túy. Hoặc trường hợp ngoài 01 lần bán ma túy hoàn thành, bị can còn tàng trữ 0,1 gam Heroine mục đích có ai mua thì bán (không xác định được người mua), Viện kiểm sát truy tố 02 tội Mua bán trái phép chất ma túy tại Điều 251 và Tàng trữ trái phép chất ma túy theo Điều 249. Tòa án cho rằng bị cáo chỉ phạm một tội Mua bán trái phép chất ma túy, đối với 0,1 gam ma túy Heroine nhằm để bán có 02 luồng ý kiến:
Một là: Phải tính số lượng ma túy tàng trữ nhằm để bán đó là một lần bán ma túy để xét xử bị cáo theo khoản 2 Điều 251 về tội Mua bán trái phép chất ma túy với tình tiết “phạm tội nhiều lần”.
Hai là: Lượng ma túy này cần được thu hút vào tội Mua bán trái phép chất ma túy, để xét xử bị cáo theo khoản 1 Điều 251.
Những quan điểm như trên đều bộc lộ những điểm bất hợp lý.
Thứ nhất: Ngoài Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017 đang có hiệu lực, đến thời điểm hiện nay, không có định nghĩa cụ thể trong Bộ luật hoặc Hướng dẫn của trung ương hành vi Mua bán trái phép chất ma túy là gì, nhưng qua quy định Tàng trữ trái phép chất ma túy mà …không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất tại khoản 1 Điều 249 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi từ đó suy ra rằng: Khi một người có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy nhằm mục đích để bán trái phép là phạm tội mua bán trái phép chất ma túy, như tinh thần hướng dẫn tại Thông tư 17 trước đây.
Thứ hai: Trong đời sống thực tiễn, thông thường người bán hàng (bất kỳ mặt hàng gì: lương thực, thực phẩm, thuốc men…) đều không biết cụ thể người sẽ mua hàng hóa của mình là ai, nhưng có một điều chắc chắn họ luôn có mục đích bán hàng, họ được xã hội gọi là người làm nghề buôn bán, kinh doanh, doanh nhân… Liên hệ với trường hợp người bán ma túy, họ cũng không thể biết họ sẽ bán ma túy cho ai cụ thể trước được, chỉ biết rằng họ luôn sẵn có ma túy để bán cho người có nhu cầu. Do đó, lập luận của quan điểm cho rằng phải chứng minh được người mua thì mới cấu thành tội mua bán trái phép chất ma túy là khiên cưỡng, không đúng tinh thần Điều 249 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017.
Thứ ba: So sánh với hướng dẫn tại Thông tư liên tịch 06/2008/TTLT-BCA-VKSTC-TANDTC ngày 25/12/2008 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc pháo thì hành vi tàng trừ, vận chuyển trái phép pháo nổ với mục đích buôn bán ở trong nước bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Buôn bán hàng cấm”. Việc định tội và áp dụng đến nay không xảy ra tranh chấp với cùng một vấn đề có điểm tương đồng như trên.
Để thống nhất trong xác định tội danh, phục vụ tốt công tác áp dụng pháp luật hình sự, liên ngành trung ương cần có hướng dẫn để thống nhất giải quyết nhưng tranh chấp, xung đột trong định tội danh đối với trường hợp Tàng trữ trái phép chất ma túy nhằm mục đích để bán nhưng không xác định được người mua và trường hợp ngoài hành vi mua bán hoàn thành đã bắt quả tang trước đó hoặc chứng minh được có đủ chứng cứ là trước đó họ đã bán ma túy một lần trở lên, người phạm tội còn tàng trữ trái phép một lượng chất ma túy (đủ định lượng của tội tàng trữ trái phép chất ma túy) nhằm mục đích để bán nhưng không xác định được người mua là cần thiết.
Mã Văn Hùng
Kiểm sát viên-Viện KSND thành phố Việt Trì
Quan điểm của Ban biên tập:
Thứ nhất: Trong pháp luật hình sự, không áp dụng nguyên tắc tương trợ bất lợi cho bị can, bị cáo.
Căn cứ các quy định tại Thông tư số 17 liên ngành trung ương nêu trên thì chỉ được phép quy kết là Tội phạm mua bán trái phép chất ma túy trong trường hợp tác giả Hùng nêu là khi khám nhà, khám nơi ở…khám trên người thu được một lượng ma túy cho dù là có đủ định lượng cấu thành tội tàng trữ trái phép chất ma túy, xong nếu bị can, bị cáo khai là nhằm để sử dụng và bán hoặc chỉ thu hút vào hành vi bán trái phép chất ma túy để khởi tố về tội mua bán trái phép chất ma túy và chỉ phải chịu một hình phạt không được khởi tố tội độc lập là Tàng trữ trái phép chất ma túy áp dụng nguyên tắc có lợi.
Thứ hai: Xét về quan hệ mua bán nói chung thì đây là quan hệ giao dịch tiền - hàng, quan hệ dân sự. Người mua có nghĩa vụ trả tiền, người bán có trách nhiệm giao hàng, xong do loại giao dịch này bị pháp luật cấm, nên đó là giao dịch bất hợp pháp. Xong các trường hợp Tàng trữ để bán thì giao dịch này chưa hề có bất kỳ hoạt động thanh toán nào và thực tế nó cũng chưa thành một giao dịch (mua - bán - trao đổi tiền hàng) do vậy không thể coi là mua bán. Nhưng do tính chất nguy hiểm của loại hành vi này mà các nhà làm luật coi đó là hành vi mua bán và phải chịu hình phạt, đây cũng chính là nguyên tắc xác định tội danh. Đó là căn cứ vào ý thức chủ quan (lời khai là nhằm sẽ bán) kết hợp với hành vi khách quan để xác định tội phạm, đánh giá tội phạm phải đặt trong mối liên hệ với hành vi mua bán trước đó đã bị bắt quả tang, còn nếu không chứng minh được hành vi mua bán trước đó mà chỉ chứng minh được hành vi tàng trữ để bán thì tùy theo từng trường hợp mà khởi tố, truy tố về hành vi với tội danh mua bán hoặc tàng trữ.
- Ảnh Hội thao truyền thống lần thứ IV (26/7/1960 - 26/7/2020)
- Ảnh Đại hội Đảng bộ VKSND tỉnh Phú Thọ nhiệm kỳ 2020 - 2025
- Ảnh Hội thao truyền thống lần thứ III (26/7/1960 - 26/7/2019)
- Cán bộ nữ công VKS 2 cấp dâng hương tượng đài đồng chí Hoàng Quốc Việt năm 2019
- Ảnh cán bộ nữ công VKS tỉnh Phú Thọ tưởng niệm và báo công dâng Bác tại K9
- Thời hiệu khởi kiện áp dụng theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
-
Giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự
-
Một số vướng mắc khi áp dụng, thi hành hình phạt Cải tạo không giam giữ, quy định tại Điều 36 BLHS
-
Chi bộ Văn phòng tổng hợp tổ chức sinh hoạt chuyên đề Quý II/2020
-
Trao đổi về thủ tục niêm yết văn bản tố tụng dân sự của tòa án
-
Vướng mắc trong việc áp dụng quy định về giữ người trong trường hợp khẩn cấp
-
Một số vướng mắc khi áp dụng quy định của BLHS 2015, sửa đổi 2017 về tội Tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy