Viện kiểm sát cấp huyệnVKSND TP Việt Trì

Những vướng mắc về thời hạn khi áp dụng biện pháp ngăn chặn trong giai đoạn truy tố.

02:23 - Thứ Hai, 11/06/2018

Một số vướng mắc về thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” và “Tạm hoãn xuất cảnh” trong giai đoạn truy tố theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015

“Cấm đi khỏi nơi cư trú” và “Tạm hoãn xuất cảnh” là 2 biện pháp ngăn chặn trong số các biện pháp ngăn chặn được quy định tại Điều 109 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Điều kiện, thẩm quyền và thời hạn áp dụng các biện pháp ngăn chặn này được quy định cụ thể tại các Điều 123 và Điều 124 của Bộ luật tố tụng hình sự. Một trong những điểm mới của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đó là quy định rõ về thời hạn áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong các giai đoạn tố tụng khác nhau, đối với biện pháp “Tạm hoãn xuất cảnh” là biện pháp ngăn chặn được quy định hoàn toàn mới so với bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Đây cũng là 2 trong số các biện pháp ngăn chặn được áp dụng không cần phải có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát trong giai đoạn điều tra.

Quy định về thời hạn áp dụng đối với biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” và “Tạm hoãn xuất cảnh” được thể hiện trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 như sau:

Khoản 4 Điều 123 Bộ luật tố tụng hình sự quy định

“4. Thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú không quá thời hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử theo quy định của Bộ luật này. Thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với người bị kết án phạt tù không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù”.

Khoản 3 Điều 124 Bộ luật tố tụng hình sự quy định

“3. Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh không được quá thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của Bộ luật này. Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh đối với người bị kết án phạt tù không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù”.

Thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn được áp dụng trong giai đoạn truy tố được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự như sau:

Điều 240 Bộ luật tố tụng hình sự quy định

1. Trong thời hạn 20 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, Viện kiểm sát phải ra một trong các quyết định:

a) Truy tố bị can trước Tòa án;

b) Trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung;

c) Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án đối với bị can.

Trường hợp cần thiết, Viện trưởng Viện kiểm sát có thể gia hạn thời hạn quyết định việc truy tố nhưng không quá 10 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá 15 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

2. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra một trong các quyết định quy định tại khoản 1 Điều này, Viện kiểm sát phải thông báo cho bị can, người bào chữa hoặc người đại diện của bị can, bị hại biết việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung; giao cho bị can hoặc người đại diện của bị can và gửi cho Cơ quan điều tra, người bào chữa bản cáo trạng, quyết định đình chỉ vụ án hoặc quyết định tạm đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can hoặc quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can; thông báo cho bị hại, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Việc giao, nhận các văn bản nêu trên được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này và đưa vào hồ sơ vụ án.

Trường hợp vụ án phức tạp thì thời hạn giao bản cáo trạng, quyết định đình chỉ vụ án hoặc quyết định tạm đình chỉ vụ án cho bị can hoặc người đại diện của bị can có thể kéo dài nhưng không quá 10 ngày.

Điều 241 Bộ luật tố tụng hình sự quy định:

“Sau khi nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, Viện kiểm sát có quyền quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế theo quy định của Bộ luật này.

Thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn trong giai đoạn truy tố không được quá thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 240 của Bộ luật này”.

Theo các quy định trên thì có thể hiểu: Đối với Cơ quan điều tra khi áp dụng một trong hai biện pháp ngăn chặn là “Cấm đi khỏi nơi cư trú” hoặc “Tạm hoãn xuất cảnh” đối với bị can theo quy định tại Điều 123, Điều 124 Bộ luật tố tụng hình sự thì thời hạn áp dụng các biện pháp ngăn chặn này đối với bị can là không quá thời hạn điều tra do cơ quan điều tra ấn định trong Lệnh, Quyết định (theo mẫu số 39, 42 ban hành theo Thông tư số 61/2017/TT-BCA ngày 14/12/2017 của Bộ Công an quy định biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về điều tra hình sự), tuy nhiên không thể quá thời hạn điều tra theo quy định tại Điều 172 Bộ luật tố tụng hình sự, có nghĩa là Cơ quan điều tra có thể tiên lượng đối với vụ án đó có thể điều tra trong thời hạn bao lâu mà áp dụng thời hạn cho phù hợp, chỉ cần không quá thời hạn điều tra theo luật định (kể cả trong trường hợp ra hạn thời hạn điều tra theo khoản 2 Điều 172 Bộ luật tố tụng hình sự);

Khi Viện kiểm sát nhận hồ sơ vụ án do Cơ quan điều tra kết thúc thì Viện kiểm sát có quyền áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” hoặc “Tạm hoãn xuất cảnh” đối với Bị can. Nếu tiếp tục duy trì và áp dụng một trong những biện pháp ngăn chặn này thì thời hạn không được quá thời hạn quy định tại Khoản 1 Điều 240 của Bộ luật tố tụng hình sự (kể cả trong trường hợp ra hạn thời hạn truy tố) theo mẫu số 51/HS hoặc 54/HS được ban hành theo Quyết định số 15/QĐ-VKSTC ngày 09/01/2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về ban hành mẫu văn bản tố tụng, văn bản nghiệp vụ thực hiện trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố, có nghĩa là tối đa không quá 30 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và nghiêm trọng; không quá 45 ngày đối với tội phạm nghiêm trọng; không quá 60 ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Những vướng mắc về thời hạn khi áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” và “Tạm hoãn xuất cảnh” trong giai đoạn truy tố:

          Thứ nhất, khi kết thúc điều tra mà thời hạn trong “Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú” hay “Tạm hoãn xuất cảnh” của Cơ quan điều tra vẫn còn (kết thúc điều tra trước thời hạn cuối cùng ghi trong Lệnh, Quyết định), thì Viện kiểm sát nhận hồ sơ vụ án có được tiếp tục sử dụng thời hạn ghi trọng Lệnh, Quyết định đó của Cơ quan điều tra hay không, hay phải ra Lệnh, Quyết định mới tính kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án.

Ví dụ: Cơ quan điều tra khởi tố A về tội “Đánh bạc” theo Khoản 1 Điều 321 của Bộ luật hình sự đồng thời áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” đối với A kể từ ngày 01/3/2018 đến ngày 01/5/2018. Ngày 20/4/2018 Cơ quan điều tra kết thúc hồ sơ vụ án và chuyển Hồ sơ kèm theo bản Kết luận điều tra cho Viện kiểm sát. Như vậy, khi Viện kiểm sát nhận hồ sơ vụ án và thấy rằng việc áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” đối với A là cần thiết thì có tiếp tục được sử dụng số ngày còn lại theo Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với A (từ ngày 20/4/2018 đến ngày 01/5/2018) hay không, hay phải ra Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú mới đối với A tính kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án (20/4/2018).

Thứ hai, khi nhận hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” hay “Tạm hoãn xuất cảnh” đối với bị can và thời hạn ấn định không được quá thời hạn truy tố theo quy định tại Khoản 1 Điều 240 Bộ luật tố tụng hình sự (tối đa không quá 30 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và nghiêm trọng; không quá 45 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng; không quá 60 ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng). Tuy nhiên, tại Khoản 2 Điều 240 quy định đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giao cáo trạng có thể kéo dài nhưng không quá 10 ngày. Vậy, có thể hiểu 10 ngày đó Viện kiểm sát có thể áp dụng thêm trong trường hợp đã hết thời hạn truy tố theo Khoản 1 Điều 240 Bộ luật tố tụng hình sự nhưng chưa giao được Cáo trạng cho bị can. Trong trường hợp đã sử dụng tối đa số ngày của thời hạn truy tố mới ban hành được Cáo trạng truy tố bị can, thì 10 ngày kéo dài này được tiếp tục sử dụng để triệu tập bị can đến nhận Cáo trạng (trong trường hợp vụ án phức tạp). Như vậy, trong thời hạn 10 ngày để Viện kiểm sát giao nhận Cáo trạng, thì Bị can không chịu biện pháp ngăn chặn nào vì thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn của Viện kiểm sát không còn theo quy định tại Khoản 1 Điều 240, nếu bị can “không có mặt theo giấy triệu tập” theo Điểm b Khoản 2 Điều 123 Bộ luật tố tụng hình sự thì không bị coi là “vi phạm nghĩa vụ cam đoan” theo Khoản 6 Điều 123 Bộ luật tố tụng hình sự và không bị tạm giam theo Điểm d Khoản 2 Điều 123 Bộ luật tố tụng hình sự.

Ví dụ: Ở ví dụ nêu trên, Viện kiểm sát ra lệnh “Cấm đi khỏi nơi cư trú đối với A trong thời hạn 30 ngày (thời hạn tối đa để truy tố đối với tội ít nghiêm trọng) và đến ngày thứ 30 Viện kiểm sát mới ban hành được Cáo trạng và triệu tập A đến nhận Cáo trạng. Trong thời hạn 10 ngày tiếp theo là thời hạn để Viện kiểm sát giao nhận Cáo trạng cho bị can (do vụ việc phức tạp) thì trong thời hạn này bị can không phải chịu biện pháp ngăn chặn nào, do thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” của Viện kiểm sát không còn và nghiễm nhiên Bị can không vi phạm nghĩa vụ cam đoan nếu trong thời hạn này bị can không “Có mặt theo giấy triệu tập” của Viện kiểm sát.

Như vậy, Bộ luật tố tụng hình sự 2015 có những quy định mới về thời hạn áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong các giai đoạn tố tụng, nhưng thời hạn đó còn những bất cập trong giai đoạn truy tố của Viện kiểm sát cần được hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp trong thời gian tới.

 

                                                                         Nguyễn Đăng Lâm - Phó viện trưởng VKS TP Việt Trì