Viện kiểm sát cấp huyệnVKSND TP Việt Trì
Nghiên cứu trao đổi về miễn án phí dân sự
10:59 - Thứ Tư, 11/04/2018
Án phí dân sự là số tiền đương sự phải nộp ngân sách nhà nước khi vụ án dân sự được tòa án giải quyết. Các đương sự phải chịu mức án phí theo quy định của pháp luật đối với từng loại vụ việc, trên cơ sở lợi ích và mức độ lỗi của họ trong quan hệ pháp luật Tòa án giải quyết. Thực tế, khi cơ quan Tòa án để giải quyết tranh chấp vấn đề tài sản nhất định, vấn đề nghĩa vụ án phí phải đóng là bao nhiêu, được miễn án phí hay không đều được xem xét quyết định cụ thể.
Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định về nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm:
“1. Đương sự phải chịu án phí sơ thẩm nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí sơ thẩm”.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án, áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến án phí và lệ phí Tòa án. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017, thay thế cho Pháp lệnh về án phí, lệ phí Tòa án năm 2009.
Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH, ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án quy định:
“1. Những trường hợp sau đây được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí:
a,…
đ) Trẻ em; cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo; người cao tuổi; người khuyết tật; người có công với cách mạng; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thân nhân liệt sĩ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ”.
Trong phạm vi bài viết này, tác giả nêu ra quan điểm về đối tượng được miễn tiền án phí là thân nhân liệt sĩ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ thông qua một vụ án cụ thể sau đây:
Nội dung vụ án:
Ngày 12/9/2017, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam có đơn khởi kiện vợ chồng chị Lương Thị Bích Hạnh và anh Nguyễn Văn Lý phải trả tổng số tiền gốc và lãi là 840.395.555 đồng.
Quá trình giải quyết vụ án đã xác định được: Ngày26/8/2015 Bà Lương Thị Bích Hạnh và Ông Nguyễn Văn Lý là vợ chồng có vay vốn kinh doang tại BIDV Hùng vương – Phú Thọ với số tiên vay 720 triệu đồng thời hạn vay 12 tháng có thế chấp nhà và đất ở của vợ chồng, do không trả được nên nợ quá hạn tổng số tiền gốc và lãi là 840.395.555 đồng.
Thẩm phán đã tiến hành hòa giải theo đúng quy định của pháp luật. Hai bên đương sự thỏa thuận thời hạn trả nợ, số tiền trả nợ và bên bị đơn là chị Hạnh và anh Lý phải chịu án phí dân sự. Thẩm phán lập biên bản hòa giải thành. Hết thời hạn 7 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành, các bên đương sự không có ý kiến gì khác nên Thẩn phám ban hành Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
Tuy nhiên, đối với phần án phí Thẩm phán đã quyết định: Chị Lương Thị Bích Hạnh, anh Nguyễn Văn Lý phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là 18.605.933 đồng, nhưng được miễn nộp tiền án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm do thuộc trường hợp là thân nhân liệt sỹ.
Hồ sơ vụ án thể hiện chị Lương Thị Bích Hạnh là con ruột của liệt sĩ. Tại giấy chứng nhận gia đình liệt sỹ cũng ghi rõ có 3 người được hưởng các chế độ ưu đãi gia đình liệt sỹ, trong đó có chị Hạnh.
Tuy nhiên, khi kiểm sát việc việc giải quyết vụ án có nhiều quan điểm khác nhau về việc quyết định án phí của chị Hạnh và anh Lý.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, số tiền án phí là 18.605.933 đồng phải chia đôi bằng 9.302.966 đồng, chỉ có chị Hạnh được miễn nộp tiền án phí phần của chị Hạnh, còn anh Lý phải nộp số tiền án phí là 9.302.966 đồng.
Trong vụ án này chỉ có chị Lương Thị Bích Hạnh là con của liệt sỹ. Theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2013) và Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng có giải thích: “Thân nhân người có công là cha đẻ, mẹ đẻ; vợ hoặc chồng; con (con đẻ, con nuôi). Thân nhân liệt sĩ còn là người có công nuôi dưỡng liệt sĩ.”
Theo các quy định của pháp luật nêu trên thì chỉ có chị Hạnh là con đẻ của liệt sĩ nên được miễn án phí phần của chị Hạnh. Anh Nguyễn Văn Lý không phải là thân nhân của liệt sĩ theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ, do vậy không được miễn tiền án phí. Trong trường hợp này phải chia đôi khoản tiền án phí là số tiền 18.605.933 đồng và anh Lý phải nộp 9.302.966 đồng.
Quan điểm thứ hai là cả anh Lý và chị Hạnh đều được miễn án phí kinh doanh thương mại bởi lẽ:
Thứ nhất, theo quy định tại Khoản 2 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình: “Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để đảm bảo nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng” và theo Điều 210 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “1. Sở hữu chung hợp nhất là sở hữu chung mà trong đó, phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu chung không được xác định đối với tài sản chung”.
Trong trường hợp này, cả anh Lý và chị Hạnh đều là bị đơn và là người vay tiền của Ngân hàng. Khi Ngân hàng yêu cầu trả thì cả anh Lý và chị Hạnh cùng có nghĩa vụ là trả tiền cho bên nguyên đơn và cùng có nghĩa vụ nộp tiền án phí. Nghĩa vụ này phải thực hiện từ tài sản chung của vợ chồng. Do vậy, trường hợp này không thể chia đôi tiền án phí để buộc phần của ai người nấy nộp, tức là cả chị Hạnh và anh Lý đều được miễn toàn bộ tiền án phí kinh doanh thương mại.
Thứ hai, các quy định của pháp luật hiện hành không quy định cụ thể đối với nghĩa vụ phải chịu án phí của vợ chồng. Vì vậy, theo quan điểm có lợi cho các bên đương sự khi chưa có luật điều chỉnh thì cần miễn án phí cho cả hai vợ chồng anh Lý và chị Hạnh trong vụ án này.
Tác giả theo quan điểm thứ nhất: Tòa án miễn án phí cho cả hai vợ chồng anh Nguyễn Văn Lý và chị Lương Thị Bích Hạnh là không có căn cứ pháp luật bởi lẽ:
Thứ nhất: Anh Nguyễn Văn Lý không phải là thân nhân người có công, thân nhân liệt sỹ theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ, căn cứ Điểm đ Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH, ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội thì Anh Nguyễn Văn Lý không được miễn án phí.
Thứ hai: Mặc dù lại tài sản thế chấp là tài sản chung đem thế chấp đứng tên cả hai vợ chồng nhưng nghĩa vụ phải chịu án phí là nghĩa vụ riêng. Trong các vụ án tương tự như vậy, khi hai vợ chồng cùng thế chấp nhà đất và cả hai cùng ký vay tiền ngân hàng khi không trả được nợ, Ngân hàng khởi kiện tòa án đã buộc vợ và chồng phải trả nợ ngân hàng và cả vợ và chồng đều phải chịu án phí, nếu cả hai đều không thuộc trường hợp được miễn nộp tiền án phí. Như vậy một người đủ điều kiện miễn án phí thì chỉ miễn cho người đó.
Trên đây là khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự về miễn án phí, tác giả xin nêu ra để bạn đọc trao đổi, thảo luận, cho ý kiến để cùng rút kinh nghiệm trong công tác kiểm sát, đảm bảo việc thực hiện tốt chức năng kiểm sát.
Lê Anh Thọ - Viện trưởng VKSNDTP Việt Trì
Tin khác
- Một số quan điểm về xác định lỗi trong vụ án tranh chấp hợp đồng bảo hiểm
- Đại hội công đoàn Viện kiểm sát nhân dân thành phố Việt Trì: đổi mới, dân chủ và đoàn kết
- VKSND thành phố Việt Trì kiến nghị vi phạm của UBND phường Gia Cẩm trong việc xác nhận điều kiện Thi hành án dân sự.
- VKSND thành phố Việt Trì áp dụng biện pháp nghiệp vụ trực tiếp xác minh điều kiện THA dân sự.
- Ảnh Hội thao truyền thống lần thứ IV (26/7/1960 - 26/7/2020)
- Ảnh Đại hội Đảng bộ VKSND tỉnh Phú Thọ nhiệm kỳ 2020 - 2025
- Ảnh Hội thao truyền thống lần thứ III (26/7/1960 - 26/7/2019)
- Cán bộ nữ công VKS 2 cấp dâng hương tượng đài đồng chí Hoàng Quốc Việt năm 2019
- Ảnh cán bộ nữ công VKS tỉnh Phú Thọ tưởng niệm và báo công dâng Bác tại K9
- Thời hiệu khởi kiện áp dụng theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
-
Giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự
-
Một số vướng mắc khi áp dụng, thi hành hình phạt Cải tạo không giam giữ, quy định tại Điều 36 BLHS
-
Chi bộ Văn phòng tổng hợp tổ chức sinh hoạt chuyên đề Quý II/2020
-
Trao đổi về thủ tục niêm yết văn bản tố tụng dân sự của tòa án
-
Vướng mắc trong việc áp dụng quy định về giữ người trong trường hợp khẩn cấp
-
Một số vướng mắc khi áp dụng quy định của BLHS 2015, sửa đổi 2017 về tội Tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy