Viện kiểm sát cấp huyệnVKSND TP Việt Trì

Một số quan điểm về xác định lỗi trong vụ án tranh chấp hợp đồng bảo hiểm

03:32 - Thứ Năm, 26/10/2017

         Thực tế hiện nay cho thấy các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm ngày càng phát triển thì việc thụ lý, giải quyết các tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm của Tòa án ngày càng gia tăng và phức tạp. Một trong các dạng tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm đó là xác định lỗi của bên mua bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Theo Điều 571 Bộ luật dân sự năm 2005 và Khoản 3 Điều 10 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 quy định: Sự kiện bảo hiểm là sự kiện khách quan do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định mà khi sự kiện đó xảy ra thì doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm. Tuy nhiên, khi sự kiện bảo hiểm xảy ra sẽ nảy sinh vấn đề đánh giá lỗi của người mua bảo hiểm. Nếu lỗi đó thuộc các trường hợp giảm trừ trách nhiệm bảo hiểm hoặc thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không trả tiền cho người mua bảo hiểm. Tác giả xin đưa ra một vụ án cụ thể để các bạn đọc trao đổi, bình luận, cho ý kiến về việc giải quyết vụ án.
 
         Nội dung vụ án như sau: Trần Văn H là lái xe của Công ty trách nhiệm hữu hạn N (gọi là công ty N). Ngày 15/12/2015, tại đoạn vào cua đường vành đai thuộc xã X, thành phố M, tỉnh P, Trần Văn H điều khiển xe ô tô đầu kéo, kéo theo Zơ mooc chở anh Nguyễn T ngồi ghế phụ gây tại nạn. Hậu quả xe ô tô bị hư hỏng và anh T tử vong. Sau khi gây tai nạn, H về nhà và 2 hôm sau đến Công an thành phố M đầu thú. Trần Văn H bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố M khởi tố. Tại Bản kết luận điều tra, phần nội dung vụ án Cơ quan điều tra nhận định: Do Trần Văn H uống rượu, không làm chủ tốc độ nên đã gây tai nạn. Nhưng vì không đo được nồng độ cồn nên Cơ quan điều tra chỉ đề nghị Viện kiểm sát truy tố H về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo Khoản 1 Điều 202 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 mà không đề nghị truy tố H theo điểm b Khoản 2 Điều 202 với tình tiết định khung hình phạt là: Phạm tội trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định. Viện kiểm sát đã truy tố Trần Văn H và Tòa án nhân dân thành phố M xét xử bị cáo Trần Văn H về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo điểm a, d Khoản 1 Điều 260 BLHS năm 2015 (xử theo luật mới theo hướng có lợi cho bị cáo). Tại Bản án này xác định nguyên nhân dẫn đến tai nạn là do H đi quá tốc độ quy định, không làm chủ tốc độ khiến xe bị lật đổ nghiêng về bên phải gây tai nạn. 
         Công ty N có mua bảo hiểm bắt buộc và tự nguyện (bảo hiểm thân vỏ cho xe ô tô, cho zomooc, người ngồi ghế phụ và đối người thứ ba) của một Công ty Bảo hiểm đối với xe ô tô và rơ móc nêu trên. Công ty Bảo hiểm đã cấp cho Công ty N các loại giấy chứng nhận bảo hiểm và công ty N cũng đã nộp phí bảo hiểm đầy đủ.
         Sau khi xảy ra tai nạn, Công ty N yêu cầu Công ty Bảo hiểm phải chi trả tổng số tiền 350.500.000 đồng là tiền sửa chữa xe ô tô, rơ móc và tiền bồi thường Công ty N đã trả cho gia đình bị hại. Nhưng công ty Bảo hiểm có văn bản gửi Công ty N là không nhất trí chi trả số tiền trên mà chỉ trả số tiền 30.500.000 đồng là tiền bồi thường cho người thứ ba với lý do: Trần Văn H gây tai nạn khi lái xe trong tình trạng có nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở là điểm loại trừ chung của quy tắc bảo hiểm ban hành kèm với giấy chứng nhận bảo hiểm và công ty Bảo hiểm không chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này.
         Quá trình giải quyết vụ án, Công ty Bảo hiểm có đơn đề nghị Viện kiểm sát cấp cao và Tòa án cấp cao xét lại Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố M theo thủ tục giám đốc thẩm nhưng không có kết quả giải quyết đơn yêu cầu của Công ty Bảo hiểm. 
         Về phía Công ty N, quá trình giải quyết vụ án dân sự Trần Văn H có lời khai tại Tòa án đã bị Điều tra viên ép cung khi giải quyết vụ án hình sự nên mới khai có sử dụng rượu sau đó lái xe gây tại nạn.
         Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố M cũng có công văn với nội dung: Quá trình điều tra Trần Văn H khai có uống rượu tại gia đình vì hôm đó nhà có giỗ, sau đó điều khiển xe đi từ nhà đến thành phố M (khoảng 40 km) đến đoạn đường thuộc xã X thì gây tai nạn. Lời khai của vợ H và những người có mặt cũng khai có nhìn thấy H có uống rượu. Sau khi gây tai nạn H bỏ đi và 2 ngày sau mới đến đầu thú nên không đo được nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở của H. Vì vậy, Cơ quan điều tra chỉ nhận định phần nội dung của Bản kết luận điều tra chứ không đề nghị Viện kiểm sát truy tố về lỗi này.
 
         Hiện nay đang có hai quan điểm giải quyết vụ án như sau: 
 
         Quan điểm thứ nhất cho rằng: Cần chấp nhận đơn khởi kiện của Công ty N với lý do Cáo trạng truy tố của Viện kiểm sát và Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố M không truy tố, xét xử Trần Văn H về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo tình tiết định khung Khoản 2 Điều 202 của Bộ luật hình sự là: “Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ còn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng”. Do đó, không có cơ sở để xác định được M có sử dụng rượu gây tại nạn và cũng không có cơ sở khẳng định trường hợp này thuộc các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm như ý kiến của Công ty Bảo hiểm. Tức là, Theo Bản án sơ thẩm của Tòa án thì M không sử dụng rượu, không có kết quả đo nồng độ cồn trong máu và khí thở; Cáo trạng và Bản án cũng không nêu lỗi của Q là có sử dụng rượu. Như vậy, đây thuộc trường hợp không phải chứng minh theo Điểm b Khoản 1 Điều 92 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015: “Những tình tiết, sự kiện đã được xác định trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật”.
 
         Quan điểm thứ hai cho rằng: Cần bác đơn khởi kiện của Công ty N với lý do: Để truy cứu trách nhiệm hình sự thì Cơ quan điều tra phải đo nồng độ cồn của Trần Văn H khi gây tai nạn. Nhưng 2 ngày sau khi gây tai nạn H mới đến đầu thú nên không đo nồng độ cồn được. Vì vậy, không có căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự H về tình tiết định khung theo Điểm b Khoản 2 Điều 202 của Bộ luật hình sự. Tại các lời khai và bản cung H đều thừa nhận có uống rượu sau đó điều khiển xe ô tô và gây tai nạn. Hơn nữa, để truy tố, xét xử bị can, bị cáo thì trách nhiệm chứng minh phải thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Theo đó, phải có kết quả đo nồng độ cồn là tài liệu có giá trị chứng minh thì mới khởi tố, truy tố và xét xử bị can, bị cáo theo Điểm b Khoản 2 Điều 202 Bộ luật hình sự. Nhưng đối với việc giải quyết vụ án dân sự, trách nhiệm chứng minh thuộc về các đương sự trong vụ án. Tại các lời khai, bản cung trong vụ án hình sự H đều thừa nhận, vợ H và các nhân chứng khác cũng thừa nhận nhìn thấy H có uống rượu trong đám giỗ sau đó lái xe từ nhà đi thành phố M gây tai nạn. Cũng không có căn cứ nào để xác định H bị Điều tra viên ép cung. Đồng thời, quan hệ giữa Công ty N và công ty Bưu Điện chỉ là quan hệ phái sinh, không liên quan đến việc giải quyết vụ án hình sự tai nạn giao thông, nên các Cơ quan tiến hành tố tụng không đưa công ty Bảo hiểm vào tham gia tố tụng. Như vậy, việc H thừa nhận và các nhân chứng khác thừa nhận là sự kiện rõ ràng mà mọi người đều biết cũng thuộc trường hợp các tình tiết, sự kiện không phải chứng minh theo Điểm a Khoản 1 Điều 92 Bộ luật tố tụng dân sự: “Những tình tiết, sự kiện rõ ràng mà mọi người đều biết và được Tòa án thừa nhận”.
 
         Tóm lại, điểm mấu chốt trong vụ án này là phải xác định được lỗi của Trần Văn H khi gây tai nạn giao thông. Nếu xác định theo lời khai H thừa nhận có uống rượu thì cần bác đơn khởi kiện của Công ty N, còn nếu xác định theo Bản án đã có hiệu lực của Tòa án không xét xử H về tình tiết định khung hình phạt có sử dụng rượu bia khi gây tai nạn thì cần chấp nhận đơn khởi kiện của Công ty N. Tác giả xin nêu ra hai quan điểm về việc giải quyết vụ án nêu trên. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của các độc giả quan tâm.
 
 
                                                            Đào Thúy Chinh - VKS TP Việt Trì