Viện kiểm sát cấp huyệnVKSND Huyện Thanh Thủy

Quan điểm áp dụng định khung về 1 số tội phạm ma túy của BLHS 2015.

07:55 - Thứ Sáu, 08/06/2018

Quan điểm về áp dụng tình tiết định khung “ Phạm tội 02 lần trở lên”   “ Đối với 02 người trở lên” trong một số tội trong chương“ Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi năm 2017

Tại Chương XX của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 (gọi tắt là BLHS 2015) quy định “ Các tội phạm về ma túy ” từ điều 247 đến 259, trong đó có 2 tình tiết định khung “ Phạm tội 02 lần trở lên” và “ Đối với 02 người trở lên” được quy định là 2 tình tiết định khung của cùng 1 khoản 1 điều luật đối với các tội:

Điều 251: Tội mua bán trái phép chất ma túy

Điều 255: Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy

Điều 256: Tội chứa chấp việc sử dụng trái pháp chất ma túy

                          Điều 257: Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy

                          Điều 258: Tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy

Thực tiễn thi hành BLHS 2015 khi xử lý các tội về ma túy đã có cách hiểu khác nhau về việc áp dụng đồng thời cả 2 tình tiết định khung này hay chỉ áp dụng một trong 2 tình tiết định khung này trong 1 vụ án về ma túy.

1. Khái niệm “ Phạm tội 2 lần trở lên” được hiểu là có từ hai ln phạm tội trở lên mà mỗi lần phạm tội có đủ yếu tố cấu thành cơ bản của một tội độc lập. Quy định này được cụ thể hóa từ quy định tình tiết định khung “ Phạm tội nhiều lần” của BLHS 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009. Và cách hiểu cũng như nhận thức thì đều nhất quán không có gì thay đổi đối với những người tiến hành tố tụng.

2. Khái niệm phạm tội “ Đối với 02 người trở lên”  được chi tiết cụ thể hóa quan điểm trong BLHS 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 về quy định tình tiết phạm tội “Đối với nhiều người” và phạm vi áp dụng của BLHS 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 chỉ ở 3 tội (điều 197, điều 198, điều 200). Theo quy định tại Thông tư 17/2007/ TTLT Bộ công an – Viện KSNDTC – TANDTC – Bộ Tư pháp ngày 24/12/2007 (gọi tắt là thông tư 17) quy định tình tiết này được hiểu là trong 1 lần phạm tội người phạm tội đã thực hiện tội phạm đối với từ 2 người trở lên. Hiện nay BLHS 2015 tình tiết phạm tội “ Đối với 02 người trở lên” chưa có hướng dẫn cụ thể do đó tình tiết phạm tội “ Đối với 02 người trở lên” có được hiểu như khái niệm phạm tội “đối với nhiều người” theo hướng dẫn tại Thông tư 17 trên hay không là một vấn đề đặt ra trong thực tiễn giải quyết.

Quan điểm thứ nhất cho rằng BLHS năm 2015 đưa tình tiết định khung “Đối với 02 người trở lên” được hiểu xảy ra trong 2 trường hợp:

          Trường hợp 1: Trong 1 lần phạm tội, người phạm tội đã thực hiện tội phạm đối với 2 người trở lên ( như hướng dẫn tại Thông tư 17)

          Trường hợp 2: Trong 02 lần phạm tội trở lên, người phạm tội đã thực hiện tội phạm đối với 02 người trở lên (điều luật đã nêu rõ là phạm tội đối với 02 người trở lên, nếu đủ 02 người là áp dụng). Tức là quan điểm này được hiểu rộng hơn so với quan điểm trong Thông tư 17 ở trường hợp thứ 2 này.

Quan điểm thứ hai cho rằng tình tiết định khung “ Đối với 02 người trở lên” chỉ được hiểu theo cách hướng dẫn tại Thông tư 17. Mặc dù Thông tư này đã hết hiệu lực pháp luật và chỉ áp dụng cho quan điểm của BLHS năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 nhưng đây vẫn là giải thích, hướng dẫn pháp luật cao nhất, gần nhất mà liên ngành Trung ương hướng dẫn về xử lý các tội phạm về ma túy.

          3. Cũng trong quy định của BLHS năm 2015 thì 2 tình tiết định khung “Phạm tội 02 lần trở lên” và “Đối với 02 người trở lên” cùng được quy định trong cùng khoản 2 các điều 251, 255, 256, 257, 258. Có thể hiểu là 2 tình tiết định khung này có mức độ nguy hiểm cho xã hội “như nhau” nên được xếp “ ngang nhau”. Nhưng từ cách hiểu về “ Đối với 02 người trở lên” có sự không thống nhất nên dẫn đến việc áp dụng trong thực tế đ có nhiều quan điểm khác nhau. Cụ thể là:

          Ví dụ 1: A bán chất ma túy cho B bị bắt quả tang. Qua điều tra làm rõ ngày hôm trước A đã bán cho B 1 lần ( hoặc hơn 1 lần). Trường hợp này A bị áp dụng tình tiết định khung “ Phạm tội 02 lần trở lên”, việc áp dụng này không có gì vướng mắc.

          Ví dụ 2: A bán trái phép chất ma túy cho B bị bắt quả tang. Qua điều tra làm rõ ngày hôm trước A đã bán trái phép chất ma túy cho C. Có 2 quan điểm xử lý đối với A là: Quan điểm 1: A chỉ bị áp dụng tình tiết định khung “ phạm tội 02 lần trở lên” ( vì A không bán đồng thời trong cùng 1 lần cho B , C). Quan điểm 2: A bị áp dụng 02 tình tiết định khung “ phạm tội 02 lần trở lên” và “Đối với 02 người trở lên”.

          Ví dụ 3: A bán trái phép chất ma túy cho B bị bắt quả tang. Qua điều tra làm rõ ngày hôm trước A đã bán cùng một lần cho cả B và C (B,C mua riêng, từng người trả tiền). Có 2 quan điểm xử lý đối với A là: Quan điểm 1: A bị áp dụng 2 tình tiết định khung “ phạm tội 02 lần trở lên” và “Đối với 02 người trở lên”. Quan điểm 2:  A chỉ bị áp dụng 1 tình tiết định khung “ phạm tội 02 lần trở lên”.

4. Từ những vấn đề ví dụ thực tiễn nên trên, quan điểm tác giả cho rằng:

Ở cả 3 ví dụ nên trên thì A đều đã bán trái phép chất ma túy hơn 1 lần ( từ 02 lần trở lên) cho cùng một đối tượng hoặc cho nhiều đối tượng khác nhau. Quan điểm cho rằng A bán cho nhiều người thì tính chất nguy hiểm cao hơn vì nhiều người sử dụng hơn nhưng cũng có quan điểm cho rằng bán cho 1 người thì họ dễ bị nghiện hơn vì số lần sử dụng sẽ nhiều hơn do vậy để đánh giá bán cho cùng một người hay cho nhiều người thì nguy hiểm hơn là khó khăn chỉ mang tính cảm tính. Để áp dụng quan điểm có lợi cho người phạm tội, hơn nữa về nguyên tắc thì hành vi tương tự nhau (Cùng các yếu tố chủ thể, cùng xâm phạm một khách thể), đối tượng  bán trái phép chất ma túy không nhằm bán cho 1 người nhiều lần hay nhiều người mà chỉ nhằm thu lợi bất chính thì phải bị áp dụng pháp luật như nhau (ở đây nói đến áp dụng tình tiết định khung về phạm tội 02 lần trở lên” và đối với 02 người trở lên). Tức là đối tượng bán trái phép chất ma túy nhiều lần và cho nhiều người thì chỉ bị áp dụng 1 tình tiết định khung là: “phạm tội 02 lần trở lên”. Còn việc áp dụng tình tiết định khung “ Đối với 02 người trở lên” thì chỉ áp dụng trong trường hợp chứng minh người phạm tội chỉ thực hiện 1 lần và đã thực hiện tội phạm đối với 02 người trở lên”

BLHS năm 2015 mới được thi hành, phần xử lý các tội về ma túy chưa có hướng dẫn của cấp Trung ương nên đề nghị cần có sự hướng dẫn của liên ngành cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh để các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện áp dụng thống nhất, tránh việc khởi tố đề nghị truy tố, xét xử không thống nhất phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung đối với các vụ án về ma túy.

                 Nguyễn Đức Hưởng - Viện trưởng VKS Thanh Thủy