Viện kiểm sát cấp huyệnVKSND Huyện Thanh Sơn

VKSND huyện Thanh Sơn tổ chức phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm

03:19 - Thứ Hai, 26/02/2018

            Căn cứ Chỉ thị công tác 01/CT-VKSNDTC ngày 20/12/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao; Thực hiện Kế hoạch số 05/KH-VKS ngày 02/01/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ về Công tác kiểm sát năm 2018. 
            Tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, tự đào tạo, tích lũy kiến thức, nâng cao về kỹ năng, trình độ nghiệp vụ trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự; Nhằm thực hiện tốt các chỉ tiêu nghiệp vụ của ngành đề ra, trong đó việc phối hợp với Tòa án cùng cấp tổ chức các phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành.
            Vừa qua, Viện kiểm sát huyện Thanh Sơn phối hợp với Tòa án nhân dân huyện Thanh Sơn tổ chức xét xử phiên tòa rút kinh nghiệm đối với hai vụ án: Vụ án Đinh Xuân Nghĩa phạm tội “Cố ý gây thương tích” và vụ Lê Trung Thông phạm tội “Đe dọa giết người”.
            Tham gia phiên tòa có lãnh đạo, các Kiểm sát viên, Thẩm phán, Kiểm tra viên, chuyên viên, thư ký của 2 cơ quan tiến hành tố tụng Viện kiểm sát và Tòa án huyện Thanh Sơn, cùng người dân đến tham dự phiên tòa.
 
 
Đ/C Nguyễn Đình Hùng – Viện trưởng, Kiểm sát viên trung cấp 
thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại Tòa án huyện Thanh Sơn
 
            Vụ thứ nhất: Do mâu thuẫn với một nhóm thanh niên từ trước, khoảng 23h, ngày 02/9/2017 Đinh Xuân Nghĩa cùng một số đối tượng rủ nhau mang theo dao, gậy đi vào khu 13, xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn để chặn đánh thanh niên ở xóm Xem, xã Tất Thắng. Khi đi trên đường Nghĩa gặp ông Nguyễn Như Ý đang đi xe máy, Nghĩa đã chặn đầu xe ông Ý và dùng dao chém gây thương tích cho ông Ý với tổn hại 15% sức khỏe .
 
 
Toàn cảnh phiên tòa xét xử vụ án Đinh Xuân Nghĩa
 
            Vụ thứ hai: Khoảng 11h ngày 01/10/2017, tại nhà Lê Trung Thông – sinh năm 1986 thuộc khu 10, xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn, có sự đại diện của bố mẹ vợ và bố mẹ Thông ngồi nói chuyện để hòa giải việc vợ chồng Thông mẫu thuẫn. Tại đây chị Trang (vợ Thông) không đồng ý tiếp tục cùng chung sống với Thông. Do bực tức Thông đi vào buồng lấy hai quả mìn tự chế cầm ở tay trái, tay phải cầm bật lửa và đe dọa nếu ai đi ra Thông sẽ nổ mìn cho chết tất, làm cho mọi người ở trong nhà hoảng sợ ngồi im. Sau đó Thông chửi bới và lao vào đánh chị Trang. Quá trình xô sát Thông đã làm rơi quả mìn tự chế và bật lửa, nên mọi người chạy được ra ngoài. Thông tiếp tục dùng điện thoại di động nhắn tin, gọi điện đe dọa sẽ giết Trang và những người trong gia đình Trang. Hoảng sợ vì hành vi đe dọa của Thông, gia đình chị Trang đã báo cáo chính quyền địa phương yêu cầu bảo vệ chị Trang cùng những người trong gia đình.
            Cơ quan CSĐT – Công an huyện Thanh Sơn đã tiến hành giám định đối với hai quả mìn tự chế thu giữ của Thông. Kết quả giám định trong hai quả mìn tự chế của Thông có chứa chất nổ công nghiệp Amolit, trọng lượng 300 gam.
 
 
Toàn cảnh phiên tòa xét xử vụ án Lê Trung Thông
 
            Tại phiên tòa, Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử 2 vụ án đã phân tích, đánh giá nội dung vụ án, xác định đúng tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của từng hành vi phạm tội, nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, nhân thân cũng như các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Đinh Xuân Nghĩa và Lê Trung Thông. Theo đó, truy tố bị cáo Đinh Xuân Nghĩa theo quy định tại khoản 2, Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999 với tình tiết tăng nặng định khung hình phạt “Dùng hung khí nguy hiểm” và “Phạm tội có tính chất côn đồ”; vụ án Lê Trung Thông theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 103 của BLHS năm 1999 “ Đối với nhiều người”
            Căn cứ mức đề nghị của Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân huyện Thanh Sơn đã tuyên phạt bị cáo Đinh Xuân Nghĩa 02 năm tù giam, bị cáo Lê Trung Thông 2 năm 6 tháng tù giam.
 
 
Phiên họp rút kinh nghiệm sau khi xét xử sơ thẩm
 
            Kết thúc phiên tòa, cùng ngày đơn vị đã tổ chức họp rút kinh nghiệm để nhận xét, phân tích, đánh giá những ưu điểm, hạn chế trong quá trình kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử 2 vụ án; Qua đó rút ra nhiều kinh nghiệm cho toàn thể kiểm sát viên, kiểm tra viên, chuyên viên trong việc nghiên cứu hồ sơ vụ án, việc lập hồ sơ kiểm sát điều tra cũng như kỹ năng xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm thực tiễn, rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp nhằm đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ cải cách tư pháp. 
 
 
                                                                                                                      Giang Nam
                                                                                                Viện kiểm sát nhân dân huyện Thanh Sơn