Viện kiểm sát cấp huyệnVKSND Huyện Đoan Hùng

Viện KSND huyện Đoan Hùng tăng cường công tác kiến nghị phòng ngừa vi phạm pháp luật

04:12 - Thứ Hai, 23/05/2022

Thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch công tác năm 2022, Viện KSND huyện Đoan Hùng xác định: tăng cường công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân, hôn nhân, gia đình, KDTM là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Với mục tiêu đó, Viện KSND huyện Đoan Hùng đã tập trung chỉ đạo, phân công các Kiểm sát viên tiếp cận, nghiên cứu hồ sơ, phát hiện vi phạm để thực hiện quyền kiến nghị của Viện kiểm sát đặc biệt là kiến nghị phòng ngừa vi phạm pháp luật.

Thông qua việc nghiên cứu quy định về chương trình cho vay hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn được triển khai thực hiện trên địa bàn huyện Đoan Hùng theo Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ nhằm giúp vốn cho các hộ gia đình tại những vùng khó khăn phát triển kinh tế. Đối tượng vay vốn của chương trình là các hộ gia đình không thuộc hộ nghèo thực hiện các hoạt động SXKD ở vùng khó khăn. Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Đoan Hùng đã tạo điều kiện cho nhiệu hộ gia đình không thuộc hộ nghèo được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước đầu tư các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhằm cải thiện nâng cao đời sống, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở địa phương.

           Tuy nhiên trong quá trình kiểm sát việc giải quyết các vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng tại địa phương, Viện kiểm sát nhân dân huyện Đoan Hùng phát hiện sai phạm của Ngân hàng chính sách huyện Đoan Hùng trong hoạt động cho vay của theo chương trình “hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn”.  Ngân hàng đã sử dụng nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước để cho vay sai đối tượng, dẫn đến khó khăn trong việc đòi nợ thu hồi vốn. Cụ thể như sau:

           Quá trình giải quyết vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”, trong đơn khởi kiện cùng các lời khai tại Tòa án nhân dân huyện Đoan Hùng, nguyên đơn là Ngân hàng chính sách ủy quyền cho Ngân hàng chính sách xã hội huyện Đoan Hùng thể hiện nội dung: Năm 2015, ông H ở khu 1B xã Minh Phú có vay của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đoan Hùng số tiền 30.000.000đ với lãi xuất 0.75%/tháng, thời hạn vay 51 tháng theo chương trình “Hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn”. Thời hạn trả nợ đến năm 2019. Tuy nhiên, ông H không thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo thỏa thuận. Ngân hàng chính sách xã hội huyện Đoan Hùng đã gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân huyện yêu cầu ông H phải trả số tiền gốc đã vay cùng với lãi phát sinh theo hợp đồng vay.

Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, các quy định hiện hành thấy rằng: Theo Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 05/3/2007 về tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn quy định:

“Điều 1. Tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn là việc sử đụng các nguồn lực tài chính do Nhà nước huy động để cho vay phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, tăng trưởng kinh tế đồng đều giữa các vùng trong cả nước.

Ngân hàng Chính sách xã hội là tổ chức được giao thực hiện chính sách tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn theo quy định tại Quyết định này.”

“Điều 3. Đối tượng được vay vốn

1. Các hộ gia đình theo quy định của Bộ luật Dân sự (bao gồm cả hộ gia đình làm kinh tế trang trại) không thuộc diện hộ nghèo (sau đây gọi chung là người vay vốn) thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn trong những lĩnh vực mà pháp luật không cấm.

2. Chủ hộ gia đình là người đại diện cho hộ gia đình chịu trách nhiệm giao dịch với Ngân hàng Chính sách xã hội trong quan hệ vay vốn, trả nợ, trả lãi.”

           Theo quy định của Chính phủ đối tượng được vay vốn theo chương trình “Hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn” bắt buộc phải là hộ gia đình. Ngoài ra trong sổ vay vốn của Ngân hàng chính sách huyện Đoan Hùng đã thể hiện rõ: “Sổ vay vốn là giấy nhận nợ của hộ gia đình và do đại diện hộ gia đình đứng tên ký nhận nợ vay NHCSXH”. Tuy nhiên quá trình giải quyết cả nguyên đơn là Ngân hàng và bị đơn là ông H đều xác định đây là khoản vay riêng của cá nhân ông H nên ông H phải có trách nhiệm trả, không liên quan đến những người khác trong hộ.

Như vậy Ngân hàng chính sách huyện Đoan Hùng đã sử dụng các nguồn lực tài chính do Nhà nước huy động để cho cá nhân ông H vay là sai đối tượng,  vi phạm Điều 1 và Điều 3 của Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, gây nguy cơ rủi ro thất thoát tài sản của Nhà nước. Bởi lẽ chương trình cho vay “Hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn” là cho vay không cần tài sản thế chấp, không có tài sản bảo đảm cho khoản vay. Khi Ngân hàng xác nhận cho cá nhân là ông H vay thì đồng nghĩa với việc sẽ không có người cùng chịu trách nhiệm với ông H trong việc trả nợ. Đây sẽ là tiền lệ xấu ảnh hưởng đến hoạt động hỗ trợ cho vay cũng như nguồn vốn, ngân sách của Nhà nước.

Để đảm bảo phòng ngừa vi phạm pháp luật trong hoạt động tín dụng của Ngân hàng chính sách xã hội, ngày 28/4/2022, Viện kiểm sát nhân dân huyện Đoan Hùng ban hành kiến nghị số 99 ngày 28/4/2022 đối với Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng chính sách xã hội huyện Đoan Hùng, yêu cầu Ngân hàng thực hiện đúng các quy định của Nhà nước trong quản lý, điều hành hoạt động của Ngân hàng; khắc phục, chấn chỉnh các thiếu sót, tồn tại và chấm dứt vi phạm trong hoạt động cho vay vốn để tránh thất thoát tài sản của Nhà nước.

Sau khi nhận được văn bản kiến nghị của Viện KSND huyện Đoan Hùng, Ngân hàng chính sách xã hội đã có văn bản phản hồi nhất trí với nội dung kiến nghị và nghiêm túc khắc phục vi phạm để hoạt động cho vay đúng đối tượng, đúng quy định của Chính phủ.

                                                          Vũ Kim Duyên- Viện KSND huyện Đoan Hùng