Viện kiểm sát cấp huyệnVKSND Huyện Đoan Hùng
Vướng mắc trong việc áp dụng quy định về giữ người trong trường hợp khẩn cấp
07:51 - Thứ Tư, 11/12/2019
Điều 110 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định các trường hợp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, thẩm quyền người ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, nội dung và các thủ tục cần thiết khác khi ban hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp. Mục đích áp dụng biện pháp ngăn chặn trên là để kịp thời ngăn chặn, xử lý tội phạm và người phạm tội. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng quy định về giữ người trong trường hợp khẩn cấp, tôi thấy còn có nhiều vướng mắc, bất cập như sau:
Thứ nhất: Về thời hạn tính quyết định tạm giữ trong trường hợp giữ người trong trường hợp khẩn cấp.
Khoản 4 Điều 110 BLTTHS năm 2015 thì: “Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp hoặc nhận người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay và những người quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này phải ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ hoặc trả tự do ngay cho người đó…”.
Theo quy định trên, có 3 cách để thi hành việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp.
- Sau khi giữ người, Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ, đưa người bị giữ vào nhà tạm giữ, trại tạm giam rồi ra lệnh bắt người bị giữ, sau đó gửi toàn bộ hồ sơ cho Viện kiểm sát, sau khi Viện kiểm sát phê chuẩn thì trích xuất người bị tạm giữ ra để thực hiện việc bắt người rồi lại đưa vào để tạm giữ. Theo cách hiểu này, trình tự các lệnh sẽ được thực hiện như sau: Cơ quan điều tra ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp => quyết định tạm giữ => ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp.
- Sau khi giữ người, cơ quan điều tra ra lệnh bắt, quyết định tạm giữ rồi chuyển toàn bộ hồ sơ cho Viện kiểm sát phê chuẩn. Sau khi nhận được phê chuẩn của Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra tiến hành thủ tục thi hành lệnh bắt rồi đưa người bị bắt vào nhà tạm giữ, trại tạm giam để tạm giữ. Theo cách hiểu này, trình tự lệnh được thực hiện như sau: Cơ quan điều tra ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp => ra đồng thời cả lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp và quyết định tạm giữ.
- Sau khi giữ người, Cơ quan điều tra ra lệnh bắt người bị giữ và gửi cho Viện kiểm sát phê chuẩn, sau khi Viện kiểm sát phê chuẩn thì Cơ quan điều tra tiến hành thực hiện lệnh bắt, sau đó ra quyết định tạm giữ và tiếp tục gửi quyết định tạm giữ và hồ sơ cho Viện kiểm sát để Viện kiểm sát phê chuẩn việc tạm giữ. Trình tự áp dụng như sau: Cơ quan điều tra ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp => lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp => ra quyết định tạm giữ.
Cả 3 cách thực hiện trên đều vẫn đảm bảo trong thời gian 12 giờ kể từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ, lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp như Khoản 4 Điều 110 Bộ luật tố tụng hình sự quy định.
Để việc áp dụng biện pháp ngăn chặn này được thống nhất, ngày 19/11/2018, VKSND Tối cao ban hành Công văn số 5024 về giải đáp vướng mắc trong Bộ luật tố tụng hình sự có quy định:
“Khoản 4 Điều 110 BLTTHS năm 2015 quy định: “Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp hoặc nhận người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay và những người quy định tại điểm a và điềm b khoản 2 Điều này phải ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ hoặc trả tự do ngay cho người đó. Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền kèm theo tài liệu liên quan đến việc giữ người để xét phê chuẩn”. Như vậy, theo quy định này thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải ra quyết định tạm giữ đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi giữ người hoặc nhận người bị giữ (chưa cần có quyết định phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp của VKS). Quyết định tạm giữ đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp được ban hành trước hoặc cùng với lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp.
Khoản 1 Điều 118 BLTTHS năm 2015 quy định: “Thời hạn tạm giữ không quá 03 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú”. Như vậy, theo quy định này thì trường hợp Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tiếp nhận người bị giữ, người bị bắt từ cá nhân, cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật thì thời hạn tạm giữ kể từ khi tiếp nhận. Trường hợp Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trực tiếp giữ người trong trường hợp khẩn cấp và thực hiện việc áp giải người đó về trụ sở của mình (giữ người ở các địa điểm xa trụ sở của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, việc đi lại khó khăn, mất nhiều thời gian di chuyển như vùng rừng núi, hải đảo hoặc ở ngoài tỉnh...) thì thời hạn tạm giữ được tính từ khi áp giải người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đó về đến trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Thực tế, có trường hợp vụ án gây thương tích xảy ra ngày 14/3/2019 do Nguyễn Văn A thực hiện, biên bản giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với A được Cơ quan điều tra lập vào lúc 22 giờ 20 phút ngày 14/3/2019, đến 01 giờ 00 phút ngày 15/3/2019 thì về đến trụ sở Công an và Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ nhưng biên bản bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp lập lúc 10 giờ 00 phút ngày 15/3/2019.
Như vậy, tính từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp đến khi ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp là không quá 12 giờ, đảm bảo theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp đến khi ra quyết định tạm giữ là gần 3 giờ và từ khi ra quyết định tạm giữ đến khi ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp là 09 giờ thì có đảm bảo theo quy định pháp luật không? Thời gian tạm giữ được trừ vào thời gian tạm giam, nhưng thời gian bị giữ khi chưa có quyết định tạm giữ thì tính như thế nào? Theo hướng dẫn của Công văn số 5024 thì trường hợp Cơ quan điều tra trực tiếp giữ người trong trường hợp khẩn cấp và áp giải người bị giữ về trụ sở Công an thì thời gian tạm giữ được tính từ khi áp giải người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp về đến trụ sở Công an. Đối chiếu trường hợp trên thì thời gian tạm giữ đối với Nguyễn Văn A là 3 ngày tính từ 1 giờ 00 phút ngày 15/3/2019. Như vậy, thời gian bị giữ khi chưa có quyết định tạm giữ vào ngày 14/3/2019, không được tính vào thời hạn tạm giữ để được trừ vào thời hạn tạm giam thì ảnh hưởng đến quyền của người bị tạm giữ không?
Thứ hai: Việc áp dụng đúng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp liệu có phải vi phạm theo hệ thống chỉ tiêu của Ngành.
Khoản 1 Điều 110 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định 3 trường hợp giữ người trong trường hợp khẩn cấp.
Một là: có đủ căn cứ để xác định người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
Hai là: Người cùng thực hiện tội phạm hoặc bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt nhìn thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn;
Ba là: Có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở hoặc nơi làm việc hoặc trên phương tiện của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.
Từ quy định nêu trên có thể hiểu rằng khi có một trong ba căn cứ nêu tại Khoản 1 Điều 110 Bộ luật tố tụng hình sự nêu trên thì được phép giữ người trong trường hợp khẩn cấp. Qua thực tế có vụ án cố ý gây thương tích tại huyện còn có vướng mắc về việc nhận thức, về căn cứ bắt người trong trường hợp khẩn cấp.
Ví dụ: Do mâu thuẫn cá nhân, A dùng dao chém liên tiếp vào B, C vào khoảng 20 giờ 00 phút ngày 14/03/2019. Cơ quan điều tra đã trực tiếp giữ A trong trường hợp khẩn cấp vào 21 giờ 00 phút ngày 14/03/2019. Qúa trình lấy lời khai ban đầu, cả bị hại B, C đều có đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự. Hồi 8 giờ 00 phút ngày 15/03/2019, Cơ quan điều tra ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và quyết định tạm giữ A. VKS đã phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ đối A. Ngày 16/03/2019, cả B, C có đơn xin rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự, không đề nghị giám định thương tích. Cùng ngày, Cơ quan điều tra ra quyết định trả tự do đối với A.
Hiện nay, có hai quan điểm đối với việc Cơ quan điều tra ra quyết định giữ người trong trường hợp khẩn cấp.
Quan điểm thứ nhất: Cơ quan điều tra ra quyết định giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với A là đúng quy định pháp luật. Bởi căn cứ điểm b khoản 1 Điều 110 BLTTHS, bị hại là B,C xác nhận trực tiếp A là người thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn A bỏ trốn. Bản thân bị hại đều có đơn yêu cầu xử lý hình sự đối với A. Hành vi của A là nguy hiểm, xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của công dân, gây mất trật tự trị an, có dấu hiệu phạm tội Cố ý gây thương tích quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự. Do vậy, CQĐT ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp là đúng. Tuy nhiên, quá trình lấy lời khai điều tra sau này, cả B, C đều tự nguyện rút đơn khởi tố vụ án hình sự, không đề nghị giám định thương tích. Vụ án thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại. Do bị hại tự nguyện rút đơn đề nghị nên Cơ quan điều tra không có căn cứ để xử lý hình sự đối với A và ra quyết định trả tự do đối với A.
Quan điểm thứ hai cho rằng, việc Cơ quan điều tra ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp sau đó tạm giữ hình sự nhưng trả tự do đối với A là vi phạm. Bởi theo chỉ tiêu Ngành kiểm sát ban hành theo Quyết định số 379/QĐ-VKSTC ngày 10/10/2017 quy định: “ Tỷ lệ số người bị bắt, tạm giữ hình sự chuyển khởi tố >= 97%”. Tức là theo quy định của Ngành có thể hiểu mọi trường hợp bắt người, tạm giữ hình sự phải đảm bảo để chuyển khởi tố vụ án hình sự. Do vậy, trường hợp trên đã không đảm bảo chỉ tiêu Ngành quy định.
Theo quan điểm cá nhân, tôi đồng ý với quan điểm thứ nhất. Bởi lẽ đối với quan điểm thứ hai, tôi thấy chỉ tiêu quy định còn bất cập, chưa có sự tách bạch rõ ràng giữa việc bắt, tạm giữ hình sự đúng căn cứ nhưng không khởi tố vụ án hình sự được do quy định pháp luật và trường hợp bắt, tạm giữ hình sự không đúng căn cứ. Đồng thời, gây e ngại cho các KSV khi nghiên cứu các trường hợp giữ người trong trường hợp khẩn cấp có vi phạm chỉ tiêu Ngành hay không nhất là đối với các loại tội danh thuộc nhóm tội khởi tố theo yêu cầu của người bị hại. Thực tế có rất nhiều vụ án thuộc nhóm tội này, sau khi Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam thậm chí VKS đã ban hành Cáo trạng truy tố bị can ra trước Tòa án nhưng khi bị hại có đơn xin rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án thì Cơ quan điều tra, VKS hoặc kể cả Hội đồng xét xử vẫn phải ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can và hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn đi kèm. Quan điểm thứ nhất áp dụng việc bắt giữ người có căn cứ, đảm bảo quyền lợi của bị hại, hạn chế hành vi nguy hiểm cho xã hội tiếp tục xảy ra đồng thời vận dụng đúng tinh thần của bộ luật tố tụng hình sự về việc áp dụng biện pháp ngăn chặn như Điều 109 Bộ luật tố tụng hình sự quy định: “ Để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội…..người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh….” .
Do pháp luật chưa có hướng dẫn cụ thể đối với điều luật này nên thực tiễn áp dụng có nhiều cách hiểu khác nhau nên việc áp dụng không thống nhất. Do vậy, đề nghị Liên ngành cấp tỉnh hướng dẫn kịp thời để áp dụng trong thời gian tới./.
Nguyễn Việt Hà – KSV (VKS ĐoanHùng)
Tin khác
- VKSND huyện Đoan Hùng tăng cường công tác kiến nghị phòng ngừa tội phạm về pháo nổ dịp Tết Nguyên Đán 2020 đến địa bàn huyện
- VKSND huyện Đoan Hùng kiến nghị TA cùng cấp khắc phục vi phạm trong công tác KSXXHSST
- Lễ công bố và trao Quyết định bổ nhiệm Phó viện trưởng VKSND huyện Đoan Hùng
- VKSND huyện Đoan Hùng kiểm sát trực tiếp tại cơ quan CSĐT Công an huyện Đoan Hùng
- Ảnh Hội thao truyền thống lần thứ IV (26/7/1960 - 26/7/2020)
- Ảnh Đại hội Đảng bộ VKSND tỉnh Phú Thọ nhiệm kỳ 2020 - 2025
- Ảnh Hội thao truyền thống lần thứ III (26/7/1960 - 26/7/2019)
- Cán bộ nữ công VKS 2 cấp dâng hương tượng đài đồng chí Hoàng Quốc Việt năm 2019
- Ảnh cán bộ nữ công VKS tỉnh Phú Thọ tưởng niệm và báo công dâng Bác tại K9
- Thời hiệu khởi kiện áp dụng theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
-
Giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự
-
Một số vướng mắc khi áp dụng, thi hành hình phạt Cải tạo không giam giữ, quy định tại Điều 36 BLHS
-
Chi bộ Văn phòng tổng hợp tổ chức sinh hoạt chuyên đề Quý II/2020
-
Trao đổi về thủ tục niêm yết văn bản tố tụng dân sự của tòa án
-
Vướng mắc trong việc áp dụng quy định về giữ người trong trường hợp khẩn cấp
-
Một số vướng mắc khi áp dụng quy định của BLHS 2015, sửa đổi 2017 về tội Tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy