VKSND tỉnh Phú Thọ tổ chức phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm trực tuyến

02:24 - Thứ Sáu, 26/06/2020

Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-VKS ngày 17/12/2019 của Ngành Kiểm sát nhân dân năm 2020, trong đó công tác triển khai thực hiện việc ghi âm, ghi hình để đẩy mạnh các biện pháp nhằm nâng cao kỹ năng, chất lượng các hoạt động xét hỏi, tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Nhằm “Nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố xét xử các vụ án ma túy”, ngày 25/06/2020 VKSND tỉnh Phú Thọ tổ chức hội nghị trực tuyến rút kinh nghiệm 03 phiên tòa hình sự về Án ma túy có ghi âm, ghi hình, được VKSND tỉnh kết nối đến 13 điểm cầu VKSND cấp huyện.

          Tham dự tại các điểm cầu gồm có Lãnh đạo các đơn vi, cùng toàn thể cán bộ, Kiểm sát viên  làm công tác thực hành quyền công tố, KSĐT, KSXX án hình sự.

 
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến 

Tại hội nghị, các điểm cầu được xem 3 phiên tòa hình sự sơ thẩm được   VKS cấp huyện ghi âm, ghi hình gồm: vụ Bùi Xuân Ước – phạm tội: Mua bán trái phép chất ma túy; Vụ Lương Ngọc Hoạch – phạm tội: Tàng trữ trái phép chất ma túy; Vụ Lương Ngọc Hưng – phạm tội: Tàng trữ trái phép chất ma túy và Buôn bán hàng cấm do VKS huyện Hạ Hòa, Tân Sơn, Yên Lập tổ chức.

 

Các điểm cầu xem các phiên tòa được ghi âm – ghi hình

Hội nghị trực tuyến đã được nghe 16 đơn vị đóng góp ý kiến, rút kinh nghiệm đối với mỗi Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại mỗi phiên tòa. Các ý kiến đều đánh giá được những ưu điểm, chỉ ra những tồn tại, hạn chế của mỗi phiên tòa cần rút kinh nghiệm như:

          Về thủ tục bắt đầu phiên tòa: Thư ký không phổ biến nội quy phiên tòa; Chủ tọa không tuyên bố khai mạc phiên tòa, không kiểm tra lại những người được triệu tập có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập, không giới thiệu thành phần Hội đồng xét xử, không hỏi KSV có đề nghị thay đổi thẩm phán, hội thẩm, thư ký Tòa án hay không (theo quy định tại Đ301, 302 BLTTHS), không hỏi KSV và những người tham gia tố tụng có mặt tại phiên tòa xem có ai yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng hoặc yêu cầu đưa thêm vật chứng, tài liệu ra xem xét hay không (theo quy định tại Đ305 BLTTHS), không hỏi bị cáo về việc đã nhận được Cáo trạng và Quyết định đưa vụ án ra xét xử chưa (quy định Khoản 2 điều 240 và khoản 1 Đ286 BLTTHS);
 
           Về thủ tục tranh tụng tại phiên tòa:  Có phiên tòa Kiểm sát viên, thẩm phán còn dùng nhiều câu hỏi mớm hướng bị cáo trả lời,  không hỏi để làm rõ những căn cứ đã được thu thập về người bán pháo hoặc bán ma túy cho bị cáo là chưa chặt chẽ; sau khi KSV công tố bản cáo trạng, chủ tọa không hỏi bị cáo có ý kiến gì về nội dung bản cáo trạng, không đề nghị HĐXX công bố lời khai những người được triệu tập đến phiên tòa nhưng vắng mặt để làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo (theo quy định tại Đ308 BLTTHS);  Kiểm sát viên luận tội chưa bám sát diễn biến phiên tòa mà phụ thuộc vào bản luận tội đã chuẩn bị trước, luận tội còn nhắc lại nhiều nội dung trong cáo trạng và đề nghị áp dụng điều, khoản của BLHS, BLTTHS để tịch thu tiêu hủy vật chứng và trả lại tài sản còn chưa chính xác... Đây là những tồn tại, thiếu sót mà Kiểm sát viên đã không kịp thời phát hiện và đề nghị với chủ tọa phiên tòa bổ sung, khắc phục ngay tại phiên tòa nhằm đảm bảo phiên tòa tuân thủ đúng các quy định của BLTTHS.
 
 
Đồng chí Trưởng phòng 7 thông qua các ý kiến đóng góp, rút kinh nghiệm

Với những tồn tại, hạn chế nêu trên của 3 phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm trực tuyến, được Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ ( Phòng 7) tổng hợp, thông báo rút kinh nghiệm chung trong toàn tỉnh, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng của Kiểm sát viên và để hoạt động xét xử theo đúng quy định của BLTTHS.

 

                                                                                                                               Hoàng  Việt – VPTH