Hướng dẫn công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự năm 2016

09:43 - Thứ Sáu, 26/08/2016

Căn cứ Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 25/12/2015 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về "Công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2016"; Kế hoạch số 01/KH-VKS ngày 04/01/2016 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ về "kế hoạch nhiệm vụ trọng tâm công tác của ngành kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ năm 2016".

 

Căn cứ Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 25/12/2015 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về "Công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2016"; Kế hoạch số 01/KH-VKS ngày 04/01/2016 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ về "kế hoạch nhiệm vụ trọng tâm công tác của ngành kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ năm 2016". Phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự (Phòng 7) - Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ hướng dẫn công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự năm 2016 như sau:

1/ Về công tác thực hành quyền công tố và Kiểm sát xét xử các vụ án hình sự

Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự là một trong những công tác trọng tâm của ngành kiểm sát được đặt ra thực hiện trong năm 2016. Vì vậy, để đảm bảo thực hiện có chất lượng và đạt được yêu cầu đặt ra được nêu tại Chỉ thị công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng như hướng dẫn và kế hoạch có liên quan đến công tác này của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ; Năm 2016, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp (huyện và tỉnh) cần đề cao tinh thần trách nhiệm trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Theo đó, tiếp tục nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền; khắc phục những hạn chế, tồn tại trong năm 2015, quán triệt đầy đủ cũng như triển khai thực hiện tốt những quy định mới của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 về các nội dung sửa đổi có liên quan đến công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn xét xử hình sự. Tiếp tục phấn đấu để thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác theo Nghị quyết số 37/2012/QH XIII ngày 23/11/2012 và Nghị quyết số 63/2013/QH XIII ngày 27/11/2013 và Nghị quyết số 111/2015/QH XIII ngày 27/11/2015 của Quốc hội.

Trong thực hiện công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự, Viện kiểm sát hai cấp cần tập trung, chủ động bám sát và đồng thời nắm vững các quy định của pháp luật cũng như các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ có liên quan để áp dụng khi giải quyết vụ án và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn xét xử. Chú trọng, nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử ở cả hai cấp mà trọng tâm là: Nâng cao chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa nhằm đảm bảo cho hoạt động xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai cũng như không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Tăng cường kiểm sát chặt chẽ, toàn diện hoạt động xét xử, các bản án quyết định của Tòa án cùng cấp để kịp thời phát hiện vi phạm; tiến hành việc kiến, kháng nghị; tích cực tổng hợp ban hành thông báo rút kinh nghiệm… yêu cầu khắc phục vi phạm, đảm bảo hoạt động xét xử cùng quyết định của bản án theo đúng quy định của pháp luật. Năm 2016, ở cả hai cấp kiên quyết không để xảy ra trường hợp nào Viện kiểm sát truy tố, Toà án  xét xử tuyên bị cáo không phạm tội; hạn chế tối đa các trường hợp Toà án xét xử khác với tội danh, điều khoản Viện kiểm sát truy tố, các bản án bị sửa, huỷ có liên quan đến trách nhiệm của Viện kiểm sát cũng như của kiểm sát viên.

Phối hợp chặt chẽ với Tòa án cùng cấp giải quyết đúng tiến độ vụ án, nhân rộng cả về số lượng và chất lượng việc tổ chức các phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm, sử dụng tiện ích của công nghệ thông tin để mở một số phiên toà rút kinh nghiệm thông qua hệ thống truyền hình trực tuyến giữa hai cấp phục vụ học tập và nâng cao trình độ chuyên môn cũng như kỹ năng công tác của đội ngũ kiểm sát viên. Xử lý nghiêm, kịp thời đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế, các vụ án điểm, an ninh, chính trị, xâm phạm các hoạt động tư pháp, tội phạm có tổ chức, các vụ án dư luận quan tâm, các vụ án đưa xét xử lưu động… qua đó để tuyên truyền, giáo dục pháp luật cũng như làm công tác phòng ngừa.

Những công tác cụ thể cần thực hiện:

1.1. Công tác thực hành quyền công tố và Kiểm sát xét xử sơ thẩm:

Kiểm sát viên khi được giao nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm phải thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các thao tác nghiệp vụ quy định tại Chương II - Quy chế công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự cùng các văn bản pháp luật có liên quan. Trước khi tham gia phiên toà, Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án để nắm vững nội dung vụ án, các chứng cứ buộc tội, gỡ tội cùng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, báo cáo đề xuất để lãnh đạo duyệt vụ án, chuẩn bị tốt dự thảo đề cương xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa và dự thảo bản luận tội tại phiên toà, chú trọng đưa ra những dự kiến về nội dung đối đáp, tranh tụng tại phiên toà, từ đó có kế hoạch chủ động xét hỏi, đối đáp, và tranh luận làm sáng tỏ vụ án. Bảo vệ quan điểm truy tố chú ý đến những vụ án có tính chất phức tạp, có mâu thuẫn về chứng cứ, các vụ án có người tham gia bào chữa, các vụ án cần đối đáp với các ý kiến của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác. Theo dõi chặt chẽ diễn biến phiên toà để từ đó có bổ sung quan điểm vào bản dự thảo luận tội, nhất quyết không để xảy ra trường hợp Kiểm sát viên không đối đáp tranh tụng tại phiên tòa hoặc tranh tụng mang tính chung chung.

Thực hiện đầy đủ, trách nhiệm và đúng quy định của pháp luật trong kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng khác, chú trọng kiểm sát việc Tòa án tuyên án, thực hiện đúng quy định của pháp luật về việc kiểm tra biên bản phiên tòa, kiểm tra bản án, quyết định của Tòa án. Không để vụ án nào khi truy tố, xét xử Tòa án tuyên không phạm tội, hạn chế thấp nhất các trường hợp phải thay đổi, rút quyết định truy tố hoặc Tòa án xét xử khác tội danh Viện kiểm sát truy tố.

Trong quá trình xét xử nếu phát sinh tình tiết mới tại phiên toà làm thay đổi việc đánh giá tính chất của vụ án so với trước thì kiểm sát viên phải kịp thời báo cáo lãnh đạo viện để xem xét, quyết định. Trường hợp không thể báo cáo được thì Kiểm sát viên tự quyết định và phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật, quy chế công tác của ngành.

Với những vụ án phức tạp được dư luận xã hội quan tâm thì Lãnh đạo đơn vị phải trực tiếp Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử. Việc lập hồ sơ kiểm sát yêu cầu các Kiểm sát viên và lãnh đạo các đơn vị huyện, thành, thị tiến hành đúng và đầy đủ theo quy định của ngành.

 Lãnh đạo các đơn vị huyện, thành, thị tiếp tục phối hợp với Toà án cũng cấp để tổ chức có chất lượng các phiên toà rút kinh nghiệm và các phiên tòa đưa đi xét xử lưu động. Chủ động xây dựng ở mỗi đơn vị có từ 1 đến 2 vụ án để đưa ra xét xử rút kinh nghiệm thông qua hệ thống truyền hình trực tuyến. Thực hiện nghiêm công tác kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án cùng cấp bảo đảm thực hiện kiểm sát 100% bản án, quyết định của Toà án, chú trọng về thời hạn và chất lượng, kịp thời phát hiện vi phạm để kháng nghị theo thẩm quyền, tập hợp vi phạm để ban hành kiến nghị cùng cấp. Kiên quyết không để xảy ra việc Toà án áp dụng án treo đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế và những vụ án có tổ chức gây bức xúc trong dư luận. Hạn chế việc áp dụng án treo, cải tạo không giam giữ. Không để xảy ra việc áp dụng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm tỉ lệ cao so với các loại hình phạt khác trong đơn vị.

Khi có các vụ án Viện kiểm sát tỉnh uỷ quyền cho Viện kiểm sát các huyện, thành, thị thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử thì các đơn vị được uỷ quyền phải nghiên cứu kỹ hồ sơ đồng thời phối hợp với Viện kiểm sát tỉnh để giải quyết các vướng mắc phát sinh và chịu trách nhiệm đối với các quyết định giải quyết vụ án. Các Viện kiểm sát huyện, thành, thị thực hiện nghiêm việc chuyển giao bản án, quyết định của Toà án cùng cấp cho Phòng 7, Phòng 1, Phòng 2 - Viện kiểm sát tỉnh theo đúng thời hạn và đảm bảo đủ số lượng 100%. Theo chỉ đạo của Lãnh đạo Viện tỉnh, yêu cầu các Viện kiểm sát các huyện, thành, thị thực hiện nghiêm túc việc mở sổ để theo dõi và đánh số thứ tự vào các phiếu kiểm sát bản án, quyết định hình sự sơ thẩm dùng cho Viện kiểm sát cấp sơ thẩm khi kiểm sát bản án để gửi cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh kèm theo bản án đã kiểm sát và sao gửi đầy đủ lịch phiên tòa trước khi xét xử cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh.

Giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan đến công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử kịp thời, đúng quy định của pháp luật.

1.2. Các chỉ tiêu nghiệp vụ cụ thể thực hiện:

- Đảm bảo tỷ lệ xét xử đạt từ 95% trở lên, trên tổng số án giải quyết của từng đơn vị huyện, thành, thị.

- Kiểm sát viên được phân công kiểm sát án hình sự ngoài thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử đối với những vụ án đã được phân công thì phải trực tiếp thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử ít nhất 01 vụ/01 năm đối với phiên tòa tổ chức rút kinh nghiệm (Về giao chỉ tiêu xét xử đối với các phiên tòa rút kinh nghiệm, Viện kiểm sát tỉnh sẽ có văn bản riêng căn cứ vào số lượng vụ án và Kiểm sát viên ở mỗi Viện kiểm sát các huyện, thành, thị).

- Đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện, thành, thị lựa chọn những vụ án phức tạp được dư luận quan tâm để trực tiếp thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử với chỉ tiêu ít nhất 01 vụ án/01 năm.

2. Công tác kháng nghị, kiến nghị:

2.1. Kháng nghị phúc thẩm:

Viện kiểm sát hai cấp (tỉnh, huyện) tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 03/2008/CT-VKSTC-VPT1 ngày 19/6/2008 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về: "Tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự". Từ đó tăng cường trách nhiệm trong kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án cùng cấp, thực hiện kiểm sát 100% bản án, quyết định của Tòa án đảm bảo đúng thời hạn, chất lượng. Kịp thời phát hiện vi phạm để kiên quyết kháng nghị theo thẩm quyền.

Công tác kháng nghị phải có tính căn cứ và được thực hiện theo đúng các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và quy chế công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự. Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa hai cấp huyện và tỉnh.

Năm 2016, không để xảy ra việc Viện kiểm sát huyện, thành, thị phát hiện ra vi phạm xong do mối quan hệ không kháng nghị hoặc kiến nghị để Viện kiểm sát tỉnh kháng nghị hoặc kiểm sát chưa chặt chẽ không phát hiện vi phạm chỉ đến khi Viện kiểm sát tỉnh kiểm sát phát hiện vi phạm kháng nghị (Có trường hợp để xảy ra sẽ xem xét thi đua cuối năm với từng cá nhân kiểm sát viên và từng đơn vị).

Viện kiểm sát hai cấp huyện, tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết số 37 của Quốc hội để kịp thời phát hiện vi phạm tổng hợp ban hành kiến nghị đối với Tòa án cùng cấp.

Định kỳ hàng tháng, quý các phòng nghiệp vụ có liên quan ở Viện kiểm sát tỉnh sẽ tổng hợp các vi phạm thiếu sót về nghiệp vụ của Viện kiểm sát và Tòa án 13 huyện, thành, thị chuyển về đầu mối là phòng 7 để ra thông báo rút kinh nghiệm chung.

2.2. Các chỉ tiêu cụ thể:

- Về kháng nghị thuộc thẩm quyền cấp huyện, thành, thị ít nhất 01 vụ/01 năm. Đảm bảo nội dung kháng nghị có căn cứ được Toà án chấp nhận đạt tỉ lệ từ 70% trở lên. Lưu ý: Việc kháng nghị của cấp huyện, thành, thị trước khi ban hành phải báo cáo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh (Theo đúng chỉ đạo tại Công văn số 881 ngày 30/12/2014 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ).

- Các đơn vị huyện, thành, thị thông qua công tác kiểm sát kịp thời tổng hợp các thiếu sót hoặc vi phạm chưa đến mức phải kháng nghị để ban hành kiến nghị Tòa án cùng cấp ít nhất 02 kiến nghị/01 năm.

3. Về chế độ thông tin, báo cáo:

Cả hai cấp kiểm sát (huyện và tỉnh) thực hiện nghiêm các quy định tại quy chế về thông tin, báo cáo quản lý công tác trong ngành kiểm sát nhân dân theo đúng tinh thần quyết định số 379/QĐ - VKSTC ngày 13/7/2012 được sửa đổi, bổ sung theo quyết định số 122/QĐ-QĐ-VKSTC ngày 28/3/2013; Quyết định số 515/QĐ - VKSTC ngày 14/9/2012 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Hướng dẫn tại Công văn số 60/VKSTC - V3  ngày 25/2/2011 của Vụ 3 - Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các chỉ tiêu nghiệp vụ về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự ban hành kèm theo quyết định số: 297/QĐ - VKSTC ngày 13/6/2012 của Viện trưởng Viện kiếm sát nhân dân tối cao.

Ngoài ra yêu cầu Viện kiểm sát huyện, thành, thị thực hiện việc gửi các báo cáo có liên quan đến công tác về Viện kiểm sát nhân dân tỉnh (Phòng 7) theo quy định. Đồng thời khi cần thiết đột xuất có báo cáo để phục vụ theo chuyên đề về Viện kiểm sát nhân dân tỉnh (Phòng 7) để Phòng 7 tập hợp báo cáo Lãnh đạo Viện tỉnh khi có yêu cầu.

Trên đây là hướng dẫn công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự năm 2016, nhận được hướng dẫn này đề nghị Viện kiểm sát nhân dân huyện, thành, thị tổ chức nghiên cứu để nắm vững nội dung và các chỉ tiêu nghiệp vụ sau đó xây dựng kế hoạch công tác của từng đơn vị nhằm hoàn thành và có chất lượng công tác năm 2016.