Viện kiểm sát cấp tỉnhPhòng 2
Hướng dẫn Công tác năm 2016 của Phòng 2
03:57 - Thứ Ba, 29/03/2016
HƯỚNG DẪN Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về trật tự xã hội, án kinh tế và án tham nhũng, chức vụ năm 2016
HƯỚNG DẪN
Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về trật tự xã hội, án kinh tế và án tham nhũng, chức vụ năm 2016
Căn cứ Kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm về công tác kiểm sát năm 2016 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ và Hướng dẫn về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về trật tự xã hội, án kinh tế, án tham nhũng, chức vụ năm 2016 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Phòng 2 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ hướng dẫn thực hiện công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án hình sự về trật tự xã hội, án kinh tế, án tham nhũng, chức vụ năm 2016 như sau:
1. Công tác kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố
Trong công tác tiếp nhận, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát theo quy định mới của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 nhằm chống oan sai và bỏ lọt tội phạm ngay từ giai đoạn thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Thực hiện tốt việc lập hồ sơ kiểm sát ở giai đoạn này, đặc biệt lưu ý đóng dấu bút lục vào tài liệu của cơ quan điều tra theo quy định mới của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Tăng cường quan hệ phối hợp với các cơ quan Công an, Thanh tra, Kiểm lâm, Thuế, các cơ quan hữu quan để quản lý đầy đủ và kiểm sát chặt chẽ việc tiếp nhận, phân loại, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm trên địa bàn.
Khi được phân công kiểm sát tin báo, Kiểm sát viên phải thực hiện đầy đủ các thủ tục quy định tại Quy chế công tác kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố được ban hành theo Quyết định số 422/QĐ-VKSTC ngày 17/10/2014 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Cần lưu ý các chỉ tiêu nghiệp vụ trong công tác này, đó là:
- Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Thông tư liên tịch 06/2013 của liên ngành tư pháp Trung ương và Chỉ thị 20/2014 của Tỉnh uỷ Phú Thọ, Viện kiểm sát cấp huyện định kỳ 6 tháng một lần có Báo cáo cấp uỷ và Hội đồng nhân dân cùng cấp về tình hình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố trên địa bàn.
- Kiên quyết thực hiện các quyền hạn theo luật định khi thực hành quyền công tố để loại trừ oan, sai và bỏ lọt tội phạm. Bảo đảm tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố đạt 90% trở lên;
- Kiểm sát trực tiếp việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm tại cơ quan điều tra cùng cấp ít nhất 1 lần/ năm xong trước tháng 10/2016 và gửi đầy đủ quyết định, kết luận về Phòng 2 Viện tỉnh để tổng hợp rút kinh nghiệm chung.(gửi 01 bản về hòm thư điện tử của Phòng 2)
Trong quý 3/2016, Phòng 2 sẽ phối hợp với Phòng khiếu tố Viện tỉnh và Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Thọ kiểm sát trực tiếp ít nhất hai Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện trong việc tiếp nhận, thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động điều tra.
2. CÔNG TÁC THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ, KIỂM SÁT ĐIỀU TRA, KIỂM SÁT XÉT XỬ SƠ THẨM CÁC VỤ ÁN HÌNH SỰ VỀ TRẬT TỰ XÃ HỘI, ÁN KINH TẾ, ÁN THAM NHŨNG, CHỨC VỤ.
Viện kiểm sát cấp huyện cần chủ động tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 50/CT-TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng” Nghị quyết 111/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về “Công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Toà án nhân dân và công tác thi hành án năm 2016 và các năm tiếp theo”; Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 37, số 63, số 96 của Quốc hội khoá XIII về công tác tư pháp và Chỉ thị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Quán triệt, triển khai thi hành các đạo luật như Bộ luật Hình sự năm 2015; Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Luật tạm giữ, tạm giam; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, luật Dân sự năm 2015…
Đặc biệt lưu ý về những quy định mới của các luật trên trong giai đoạn chuyển tiếp được quy định trong các Nghị quyết thi hành của Quốc hội như:
- Bộ luật hình sự năm 2015 không còn quy định tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng nên cần rà soát, đôn đốc giải quyết dứt điểm các vụ án trước ngày 01/7/2016;
- Thời hạn tạm giam theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 giảm đáng kể so với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 nên cần kịp thời rà soát để tránh bị động vì theo Nghị quyết 110/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “ Đối với những bị can, bị cáo đang bị tạm giam theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 nhưng đến ngày 01/7/2016 không được tạm giam theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 hoặc thời hạn tạm giam vượt quá thời hạn theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì Viện kiểm sát, Toà án quyết định huỷ bỏ biện pháp tạm giam đang áp dụng hoặc thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.”
- Kể từ ngày 01/7/2016, khi Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có hiệu lực, các kiểm sát viên phải yêu cầu cơ quan điều tra thực hiện nghiêm túc quy định tại điểm 5 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 là: “5. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày lập biên bản về hoạt động điều tra, thu thập, nhận được tài liệu liên quan đến vụ án mà Kiểm sát viên không trực tiếp kiểm sát theo quy định của Bộ luật này thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển biên bản, tài liệu này cho Viện kiểm sát để kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án. Trường hợp do trở ngại khách quan thì thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 15 ngày. Trong thời hạn 03 ngày, Viện kiểm sát đóng dấu bút lục và sao lưu biên bản, tài liệu lưu hồ sơ kiểm sát và bàn giao nguyên trạng tài liệu, biên bản đó cho Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Việc giao, nhận tài liệu, biên bản được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này”. Những tài liệu không được Viện kiểm sát đóng dấu bút lục sẽ bị coi là không hợp pháp và không được đưa vào hồ sơ vụ án.
- Các đơn vị xây dựng tỷ lệ giải quyết án kiểm sát điều tra từ 80% trở lên; truy tố đạt 95% trở lên, truy tố đúng tội đạt 95% trở lên. Hạn chế đến mức thấp nhất án phải trả lại điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng ( dưới 5%). Trong trường hợp vụ án phải trả lại để điều tra bổ sung do thiếu chứng cứ; khởi tố thêm bị can hoặc vi phạm nghiêm trọng tố tụng thì lãnh đạo đơn vị cần xem xét, kiểm điểm trách nhiệm đối với Kiểm sát viên được phân công kiểm sát điều tra, nhất là việc bám sát quá trình điều tra của Kiểm sát viên như có đủ 3 bút tích yêu cầu điều tra hay không, lý do…
- Các Viện kiểm sát nhân dân huyện, thành, thị chủ động phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng xây dựng án trọng điểm để đưa ra xét xử phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương ( 5%/tổng số án thụ lý đối với đơn vị thụ lý từ 100 vụ án trở lên; 1-3 vụ đối với đơn vị thụ lý dưới 100 vụ); Các đơn vị cần giải quyết xong án tồn đọng năm 2015 chuyển sang trong quý 1 năm 2016.
- Kiểm sát chặt chẽ tính có căn cứ đối với án tạm đình chỉ và đình chỉ điều tra; gửi kịp thời, đầy đủ các quyết định án đình chỉ điều tra vì không phạm tội hoặc đình chỉ theo Điều 25 BLHS. Kiên quyết không để xảy ra đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm do lỗi chủ quan của Viện kiểm sát; không chấp nhận việc vận dụng trái pháp luật để đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự theo Điều 25 BLHS sửa đổi năm 2009 hoặc Điều 29 BLHS năm 2015. Những vụ án phải xem xét đình chỉ vì lý do phục vụ nhiệm vụ chính trị thì các đơn vị báo cáo xin ý kiến lãnh đạo Viện tỉnh (thông qua các phòng nghiệp vụ) để báo cáo Tỉnh uỷ và Viện kiểm sát nhân dân tối cao xin ý kiến chỉ đạo trước khi thực hiện.
- Mở sổ sách theo dõi đầy đủ và thường xuyên rà soát đối với án tạm đình chỉ và đôn đốc cơ quan điều tra truy nã bị can, kịp thời phục hồi khi có căn cứ. Thực hiện rà soát toàn diện đối với án tạm đình chỉ điều tra trong đợt kiểm sát tin báo, tố giác tội phạm; chú ý thanh lọc những vụ án hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự ra khỏi danh sách án tạm đình chỉ. .
- Các đơn vị cần chú trọng nâng cao năng lực của Kiểm sát viên trong thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, bảo đảm nguyên tắc tranh tụng dân chủ với người tham gia tố tụng tại phiên toà nhằm làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án. Tiếp tục phối hợp với Toà án tổ chức phiên toà rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp ( mỗi kiểm sát viên ít nhất 1 vụ/ năm, kể cả đ/c Viện trưởng). Khi có lịch xét xử cần gửi ngay cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và Phòng 2 để cử cán bộ tham dự và rút kinh nghiệm chung.
- Đề cao trách nhiệm của Kiểm sát viên trong việc phát hiện bản án có vi phạm để báo cáo lãnh đạo Viện kiến nghị hoặc kháng nghị phúc thẩm kịp thời; tránh tình trạng nể nang, né tránh đùn đẩy lên cấp tỉnh kháng nghị. Nếu không phát hiện vi phạm về tố tụng mà Viện kiểm sát tỉnh kháng nghị 1 vụ hoặc 1 quyết định theo trình tự phúc thẩm được Toà án chấp nhận thì đơn vị đó không đạt tập thể lao động xuất sắc; nếu để xảy ra 2 vụ hoặc 2 quyết định thì không “đạt lao động tiên tiến” kể cả lãnh đạo phụ trách trực tiếp.
- Kiểm sát viên phải mở sổ theo dõi quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp để ghi chép vi phạm của đối tượng hoạt động kiểm sát nhằm tổng hợp rút kinh nghiệm chung trong phạm vi cấp huyện theo tinh thần Nghị quyết 37/QH và Nghị quyết 111/2015/QH13. Đồng thời phát hiện, thiếu sót, sơ hở trong công tác quản lý Nhà nước để kiến nghị các cấp, các ngành, các cơ quan nhà nước có biện pháp khắc phục nhằm ngăn ngừa có hiệu quả tội phạm và vi phạm xẩy ra; gửi kịp thời, đầy đủ cáo trạng, báo cáo xét xử và bản án cho Viện kiểm sát tỉnh để theo dõi, chỉ đạo.
- Trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án hình sự, Viện kiểm sát nhân dân các huyện, thành, thị cần chú trọng giải quyết nhanh chóng, dứt điểm các khiếu nại, tố cáo theo đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Thông tư số 02 ngày 10/8/2005 của Liên ngành Tư pháp Trung ương để giải quyết. Lưu ý, kiểm sát và đôn đốc Cơ quan điều tra giải quyết khiếu nại phải ban hành quyết định giải quyết khiếu nại.
III. VIỆC THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ BÁO CÁO NGHIỆP VỤ, BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ
1. Báo cáo thỉnh thị
Đối với án do Viện kiểm sát cấp huyện thỉnh thị, Phòng 2 chỉ nhận hồ sơ nghiên cứu khi cấp huyện đã làm hết trách nhiệm của cấp mình mà vẫn còn vướng mắc ( đã tổ chức họp bộ phận với lãnh đạo đơn vị, họp lãnh đạo liên ngành tư pháp cấp huyện) và khi thỉnh thị cần có báo cáo cụ thể những vướng mắc, kèm theo hồ sơ, tài liệu liên quan đến vụ, việc cần thỉnh thị.
Sau khi nghiên cứu, Viện kiểm sát tỉnh sẽ phối hợp liên ngành cấp tỉnh triệu tập họp để nghe ý kiến cấp huyện và các ngành trước khi cho quan điểm trả lời bằng văn bản.
2. Báo cáo xây dựng các chuyên đề nghiệp vụ:
Theo kế hoạch số 01/KH-VKSTC-VP ngày 25/12/2015 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trong năm 2016 Viện kiểm sát các cấp có trách nhiệm tổng hợp xây dựng các chuyên đề sau để phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các địa phương và tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ:
+ “Thực trạng và giải pháp trong thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra nhằm nâng cao tỷ lệ phát hiện, khởi tố và tỷ lệ giải quyết đảm bảo chất lượng giải quyết các vụ án tham nhũng, chức vụ”;
+ Thực trạng và giải pháp nhằm bảo đảm thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng”
Cả hai chuyên đề trên đều do Vụ 5 chủ trì, sẽ có hướng dẫn đề cương, thời điểm lấy số liệu, thời gian hoàn thành xây dựng chuyên đề gửi về sau.
3. Báo cáo định kỳ và đột xuất
- Yêu cầu các đơn vị thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo nghiệp vụ theo Quy chế 379 và yêu cầu đột xuất của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh giao cho Phòng 2 quản lý, theo dõi, tổng hợp.
Trên đây là một số nội dung hướng dẫn của Phòng 2 về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về trật tự xã hội, án kinh tế và án tham nhũng, chức vụ năm 2016, đề nghị các Viện kiểm sát nhân dân huyện, thành, thị nghiên cứu, xây dựng chương trình công tác năm 2016. Trong quá trình thực hiện có vấn đề gì vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Phòng 2 - Viện kiểm sát nhân dân tỉnh để cùng phối hợp giải quyết./.
- Ảnh Hội thao truyền thống lần thứ IV (26/7/1960 - 26/7/2020)
- Ảnh Đại hội Đảng bộ VKSND tỉnh Phú Thọ nhiệm kỳ 2020 - 2025
- Ảnh Hội thao truyền thống lần thứ III (26/7/1960 - 26/7/2019)
- Cán bộ nữ công VKS 2 cấp dâng hương tượng đài đồng chí Hoàng Quốc Việt năm 2019
- Ảnh cán bộ nữ công VKS tỉnh Phú Thọ tưởng niệm và báo công dâng Bác tại K9
- Thời hiệu khởi kiện áp dụng theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
-
Giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự
-
Một số vướng mắc khi áp dụng, thi hành hình phạt Cải tạo không giam giữ, quy định tại Điều 36 BLHS
-
Chi bộ Văn phòng tổng hợp tổ chức sinh hoạt chuyên đề Quý II/2020
-
Trao đổi về thủ tục niêm yết văn bản tố tụng dân sự của tòa án
-
Vướng mắc trong việc áp dụng quy định về giữ người trong trường hợp khẩn cấp
-
Một số vướng mắc khi áp dụng quy định của BLHS 2015, sửa đổi 2017 về tội Tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy