Viện KSND tỉnh Phú Thọ trực tiếp kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin tội phạm tại Công an tỉnh Phú Thọ

03:07 - Thứ Bảy, 30/10/2021

Thực hiện Kế hoạch công tác kiểm sát năm 2021, ngày 26/10/2021, Viện KSND tỉnh Phú Thọ tiến hành trực tiếp kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm tại Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về Môi trường (PC05)- Công an tỉnh Phú Thọ. Tham gia đoàn kiểm sát gồm: đồng chí Nguyễn Huy Hoàng- Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh – Trưởng đoàn; đồng chí Lê Anh Thọ- Trưởng phòng cùng các đồng chí Lãnh đạo, Kiểm sát viên Phòng THQCT, KSĐT án hình sự về an ninh, ma túy, án hình sự về kinh tế, chức vụ và tham nhũng (Phòng 1) Viện kiểm sát nhân dân tỉnh. Về phía Công an tỉnh Phú Thọ có đồng chí Lê Minh Thanh- Trưởng phòng cùng các đồng chí Lãnh đạo, cán bộ Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (PC05) Công an tỉnh Phú Thọ.

          Trong quá trình nghiên cứu, áp dụng các quy định pháp luật hiện hành có thể thấy rằng, so với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đã quy định cụ thể về các cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm. Theo quy định của BLTTHS năm 2003 thì chỉ Cơ quan điều tra mới có thẩm quyền giải quyết nguồn tin về tội phạm. Tại Thông tư liên tịch 06/2013/TTLT- BCA- BQP- BTC- BNN & PTNT – VKSNDTC ngày 02/8/2013 đã quy định mở rộng thêm một số cơ quan khác. Khi Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có hiệu lực thi hành đã đánh dấu một sự thay đổi lớn về chủ thể có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, gồm: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, trong đó Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết đối với tố giác, tin báo tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của mình ngoại trừ kiến nghị khởi tố.

Quy định mở rộng đối tượng, thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết nguồn tin tội phạm trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 là nội dung rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tương ứng với quy định nêu trên là nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin tội phạm của Viện kiểm sát lần đầu được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự. Theo quy định tại khoản 2 Điều 160, khoản 2 Điều 164 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm và kiểm sát việc khởi tố, điều tra ban đầu của Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

 
 
 
Lãnh đạo Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường - Công an tỉnh Phú Thọ
tiếp thu các ý kiến kết luận của Viện KSND tỉnh.

Đối với Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường- Công an tỉnh Phú Thọ, việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm về cơ bản đã thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT- BCA- BQP- BTC- BNN & PTNT – VKSNDTC ngày 29/12/2017. Tuy nhiên, so với cơ quan điều tra chuyên trách, công tác tiếp nhận, phân loại, giải quyết nguồn tin tội phạm tại đơn vị còn nhiều hạn chế và lúng túng trong áp dụng các quy định của BLTTHS. Tại buổi làm việc, các thành viên của đoàn kiểm sát đã ghi nhận những kết quả đạt được đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế để đơn vị rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, đoàn kiểm sát đã tập trung thảo luận, trao đổi, thống nhất việc áp dụng các quy định của pháp luật để công tác tiếp nhận, phân loại, giải quyết nguồn tin tội phạm của đơn vị được thực hiện hiệu quả, đúng quy định của BLTTHS năm 2015.

Có thể thấy rằng việc mở rộng đối tượng trực tiếp kiểm sát trong việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm đối với Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra là một điểm mới góp phần quan trọng để Viện kiểm sát thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của ngành theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Trong bối cảnh tình hình tội phạm ngày càng có xu hướng diễn biến phức tạp, đòi hỏi lực lượng đấu tranh phòng, chống tội phạm thuộc Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cần phải được củng cố, tăng cường đồng thời cần phát huy hiệu quả mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra với Viện kiểm sát trong công tác tiếp nhận, giải quyết nguồn tin tội phạm góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội tại địa bàn tỉnh Phú Thọ./.

 

                                                                             Mã Văn Hùng – KSVTC Phòng 1