Xác định thời điểm có hiệu lực của bản án hình sự sơ thẩm qua một vụ án hình sự

02:46 - Thứ Sáu, 13/12/2019

            Xác định chính xác thời điểm có hiệu lực của bản án hình sự không chỉ có ý nghĩa trong công tác thi hành án hình sự mà còn có ý nghĩa việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội đúng tình tiết định tội, định khung hình phạt.

Qua công tác thực tiễn, chúng tôi thấy cần nêu lên một tình huống cụ thể xảy ra trên thực tế về xác định thời điểm có hiệu lực của bản án để bạn đọc và đồng nghiệp cùng tham khảo.

I. Tóm tắt nội dung vụ án

Hồi 19 giờ ngày 30/8/2019, Nguyễn Xuân Đ, sinh năm 1998, nơi cư trú: huyện P, tỉnh PT bị bắt quả tang về hành vi tàng trữ trái phép 0,252 gam ma túy Heroine mục đích để sử dụng. Tại bản Cáo trạng số 167/CT-VKS ngày 07/11/2019 của Viện kiểm sát nhân dân thành phố V truy tố đối với bị can Nguyễn Xuân Đ về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy với tình tiết định khung “Tái phạm nguy hiểm” theo quy định tại điểm 0 khoản 2 Điều 249 Bộ luật hình sự, trong đó Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân thành phố V xác định:

 - Về tiền án: Bị can Nguyễn Xuân Đ có 02 tiền án:

+ Bản án HSST số 11 ngày 08/01/1998 của TAND tỉnh PT xử phạt Đ 10 năm tù về tội Mua bán trái phép chất ma túy và 07 năm tù về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Tổng hợp hình phạt 17 năm tù, thời hạn tù tính từ ngày 05/10/1998, phạt sung quỹ nhà nước 40.000.000 đồng, phạt quản chế 05 năm sau khi mãn hạn tù, Đ đã chấp hành xong án phạt tù ra trại ngày 12/6/2012, chưa chấp hành xong hình phạt bổ sung.

+ Bản án HSST số 40 ngày 31/7/2019 của Tòa án nhân dân huyện P xử phạt Đ 15 tháng tù về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy. Thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo đi chấp hành án, bản án có hiệu lực pháp luật từ ngày 29/8/2019, Đ chưa chấp hành hình phạt.

- Tiền sự: Không;

- Tình tiết tăng nặng: Không;

II. Quan điểm xác định thời điểm có hiệu lực của Bản án hình sự sơ thẩm số 40 ngày 31/7/2019 tại Cáo trạng số 167/CT-VKS ngày 07/11/2019 của Viện kiểm sát nhân dân thành phố V

Theo bản Cáo trạng số 167/CT-VKS ngày 07/11/2019 của Viện kiểm sát nhân dân thành phố V xác định, Bản án hình sự sơ thẩm số 40 ngày 31/7/2019 của Tòa án nhân dân huyện có hiệu lực từ ngày 29/8/2019, trước đó bị can Đ đã có 01 tiền án chưa được xóa án tích, do đó lần phạm tội này của Đ thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm, nên Đ phải chịu tình tiết định khung “Tái phạm nguy hiểm” quy định tại điểm 0 khoản 2 Điều 249 Bộ luật hình sự.

 III. Quan điểm của tác giả bài viết

1. Xác định Bản án số 40 ngày 31/7/2019 của Tòa án nhân dân huyện P có hiệu lực từ thời điểm nào

Điều 343 Bộ luật tố tụng hình sự quy định: Bản án, quyết định và những phần của bản án, quyết định của Tòa án không bị kháng cáo, kháng nghị thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Khoản 1 Điều 337 Bộ luật tố tụng hình sự quy định: Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 30 ngày kể từ ngày Tòa án tuyên án.

Theo quy định tại điểm a, điểm b tiểu mục 4 Nghị quyết 05/2005/NQ-HĐTP ngày 08/12/2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc thời hạn kháng cáo, kháng nghị được xác định như sau:

“4.1. Thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc thời hạn kháng cáo, kháng nghị

a) Thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng cáo, kháng nghị là ngày tiếp theo của ngày được xác định. Ngày được xác định là ngày Toà án tuyên án hoặc ra quyết định trong trường hợp Viện kiểm sát, bị cáo, đương sự có mặt tại phiên toà hoặc là ngày bản án, quyết định được giao hoặc được niêm yết trong trường hợp bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên toà.

.........

b) Thời điểm kết thúc thời hạn kháng cáo, kháng nghị là thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn. Nếu ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần (thứ bảy, chủ nhật) hoặc ngày nghỉ lễ, thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày làm việc đầu tiên tiếp theo ngày nghỉ đó. Thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn vào lúc hai mươi tư giờ của ngày đó.”.

Như vậy, ngày 31/7/2019 Tòa án nhân dân huyện P xét xử và cùng ngày ra bản án sơ thẩm số 40, sau đó bị cáo Đ không kháng cáo, Viện kiểm sát cấp huyện và cấp tỉnh không kháng nghị, theo quy định đã viện dẫn trên thì thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng cáo, kháng nghị đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 40 ngày 31/7/2019 là từ 0 giờ ngày 01/8/2019 và thời hạn 30 ngày kháng nghị của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, tính từ 0 giờ ngày 01/8/2019 đến 24 giờ ngày 30/8/2019. Bản án hình sự sơ thẩm số 40 ngày 31/7/2019 có hiệu lực pháp luật từ sau 0 giờ ngày 31/8/2019.

2. Thời điểm bị can Đ thực hiện hành vi phạm tội, bị can Đ có bao nhiêu bản án có hiệu lực chưa được xóa án tích

Theo Nguyên tắc suy đoán vô tội quy định tại Điều 13 Bộ luật tố tụng hình sự: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.”.

Hồi 19 giờ ngày 30/8/2019 bị can Đ thực hiện hành vi phạm tội Tàng trữ trái phép chất ma túy, khối lượng ma túy là 0,252 gam Heroine, khi đó đối với Đ đã hai lần bị xét xử tại Bản án số 11 ngày 08/01/1998 và Bản án số 40 ngày 31/7/2019. Bản án số 11 ngày 08/01/1998 đã có hiệu lực pháp luật, bị can Đ đã chấp hành xong hình phạt chính và chưa được xóa án tích. Còn Bản án số 40 ngày 31/7/2019 có hiệu lực pháp luật từ ngày 31/8/2019. Do đó tính đến thời điểm phạm tội lần này (19 giờ ngày 30/8/2019) thì bị can Đ chỉ có 01 tiền án tại Bản án hình sự sơ thẩm số 11 ngày 08/01/1998. Còn Bản án số 40 ngày 31/7/2019 không là tiền án đối với bị can Đ mà chỉ xác định về nhân thân của bị can.

3. Áp dụng pháp luật đối với bị can Đ

Từ sự phân tích nêu trên thì việc Viện kiểm sát nhân dân thành phố V truy tố Đ tại Bản Cáo trạng số 167/CT-VKS ngày 07/11/2019 về tội về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy theo quy định tại điểm 0 khoản 2 Điều 249 Bộ luật hình sự (áp dụng tình tiết định khung tái phạm nguy hiểm) là không đúng quy định của pháp luật. Trong trường hợp này Đ chỉ bị truy tố theo điểm c  khoản 1 Điều 249 Bộ luật hình sự và bị áp dụng tình tiết tăng nặng tái phạm quy định tại điểm h khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự. Khi xét xử Tòa án tổng hợp hình phạt tại Bản án số 40 ngày 31/7/2019 với hình phạt xét xử lần này theo quy định của pháp luật.

Qua vụ án cụ thể nêu trên thấy cần trao đổi với quý bạn đọc việc áp dụng quy định của pháp luật trong xác định thời điểm có hiệu lực của bản án hình sự sơ thẩm nhằm nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, ban hành cáo trạng.

                            Tác giả:  Nguyễn Đức Hưởng + Mã Văn Hùng/ Phòng 1 VKSND tỉnh Phú Thọ