Viện kiểm sát cấp tỉnhPhòng 1
Xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm qua một vụ án
10:12 - Thứ Tư, 27/11/2019
Qua công tác thực tiễn thấy rằng việc xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm đối với người phạm tội không chỉ có ý nghĩa trong việc áp dụng tình tiết tăng nặng cho đúng, mà trong nhiều trường hợp còn có ý nghĩa xác định có tội hay không có tội, có chuyển khung hình phạt lên khung cao hơn hay không.
Bài viết này xin nêu một ví dụ cụ thể xảy ra trên thực tế và cách xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm:
I. Tóm tắt nội dung vụ án
Tại bản Cáo trạng số 47/CT-VKS ngày 09/10/2019 của Viện kiểm sát nhân dân huyện L truy tố đối với bị can Lê Văn C, sinh ngày 10/10/1988, cư trú tại khu 5 xã T, huyện L, tỉnh P về tội Trộm cắp tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự và tội Tàng trữ trái phép chất ma túy quy định tại khoản 1 Điều 249 Bộ luật Hình sự.
Bị can Lê Văn C đã 04 lần bị xét xử:
- Lần 1: Bản án hình sự sơ thẩm số 04/2005/HSST ngày 30/12/2005 của Tòa án nhân dân huyện L xử phạt Lê Văn C 06 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội Trộm cắp tài sản, ngày thực hiện hành vi phạm tội 03/11/2005, giá trị tài sản chiếm đoạt 1.000.000 đồng, án phí hình sự 50.000 đồng, đã thi hành xong án phí ngày 11/4/2006.
- Lần 2: Bản án hình sự sơ thẩm số 29/2006/HSST ngày 26/4/2006 của Tòa án nhân dân huyện L, Lê Văn C có hành vi thực hiện 03 vụ trộm cắp tài sản các ngày 01/4/2005, 10/5/2005, 20/01/2006, bị xử phạt 15 tháng tù tổng hợp với hình phạt 06 tháng tù tại Bản án hình sự số 04/2005/HSST ngày 30/12/2005 của Tòa án nhân dân huyện L, hình phạt chung là 21 tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày 22/01/2006 (được trừ 06 ngày tạm giữ), tài sản chiếm đoạt trên 2.000.000 đồng; án phí hình sự, dân sự 315.000 đồng. Kết quả thi hành án: C chấp hành xong án phạt tù ngày 16/9/2007, thi hành xong án phí ngày 14/3/2007, khoản bồi thường dân sự các bị hại không yêu cầu thi hành án.
- Lần 3: Bản án hình sự sơ thẩm số 47/2009/HSST ngày 26/02/2009 của Tòa án nhân dân thành phố V xử phạt Lê Văn C 07 năm 06 tháng tù về tội Cướp tài sản, thời hạn phạt tù tính từ ngày 03/10/2008, án phí hình sự 50.000 đồng. Kết quả thi hành án: C chấp hành xong án phạt tù ngày 03/01/2016, thi hành xong án phí hình sự ngày 21/8/2009.
- Lần 4: Bản án hình sự sơ thẩm số 11/2018/HSST ngày 09/02/2018 của Tòa án nhân dân huyện L xử phạt Lê Văn C 06 tháng tù về tội Trộm cắp tài sản, giá trị tài sản chiếm đoạt 1.340.000 đồng, án phí hình sự 200.000 đồng. Kết quả thi hành án: Lê Văn C chấp hành xong án phạt tù ra trại ngày 20/7/2018, thi hành xong án phí hình sự ngày 23/4/2018.
Cáo trạng xác định:
- Tiền án:
+ Bản án hình sự sơ thẩm số 29/2006/HSST ngày 26/4/2006 của Tòa án nhân dân huyện L.
+ Bản án hình sự sơ thẩm số 47/2009/HSST ngày 26/02/2009 của Tòa án nhân dân thành phố V.
+ Bản án hình sự sơ thẩm số 11/2018/HSST ngày 09/02/2018 của Tòa án nhân dân huyện L xử phạt Lê Văn C 06 tháng tù về tội Trộm cắp tài sản. Lê Văn C chấp hành xong án phạt tù ra trại ngày 20/7/2018. Tại bản án này Lê Văn C không bị áp dụng tình tiết tái phạm vì tài sản trộm cắp có giá trị dưới 2.000.000 đồng, các tiền án tại Bản án số 29/2006/HSST ngày 26/4/2006 và Bản án số 47/2009/HSST ngày 26/02/2009 được áp dụng là tình tiết định tội đối với Lê Văn C.
- Tiền sự: Không;
- Nhân thân: Bản án hình sự sơ thẩm số 04/2005/HSST ngày 30/12/2005 của Tòa án nhân dân huyện L.
- Tình tiết tăng nặng: Tái phạm.
II. Một số quan điểm xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm đối với lần phạm tội của C được nêu trong Cáo trạng số 47/CT-VKS ngày 09/10/2019 của Viện kiểm sát nhân dân huyện L
- Quan điểm thứ nhất: C có 4 lần bị xét xử nhưng lần thứ nhất đã được đương nhiên xóa án tích, bản án lần thứ hai và lần thứ ba là tình tiết định tội cho lần xét xử thứ tư nên lần phạm tội này của C là tái phạm.
- Quan điểm thứ hai: Bản án lần thứ tư không áp dụng tình tiết tái phạm nên có nhiều bản án chưa được xóa án tích thì lần này C chỉ thuộc trường hợp tái phạm.
- Quan điểm thứ ba: C có 4 lần bị xét xử nhưng lần thứ nhất đã được đương nhiên xóa án tích, bản án lần thứ hai và lần thứ ba là tình tiết định tội cho lần xét xử thứ tư đều chưa đực xóa án tích nên lần phạm tội này của C là tái phạm nguy hiểm.
III. Quan điểm của tác giả bài viết
1. Xem xét thời hạn xóa án tích của Lê Văn C đối với từng bản án thấy:
- Bản án 04/2005/HSST ngày 30/12/2005 xét xử C về tội Trộm cắp tài sản, trị giá tài sản bị chiếm đoạt là 1.000.000 đồng và không có tiền án, tiền sự. Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì hành vi này hiện nay không bị xử lý về hình sự. Do đó Bản án 04/2005/HSST không tính là tiền án ( bị can không phạm tội).
- Bản án số 29/2006/HSST ngày 26/4/2006 xét xử Lê Văn C về tội Trộm cắp tài sản (trị giá tài sản chiếm đoạt trên 2.000.000 đồng), hình phạt 15 tháng tù tổng hợp với 06 tháng tù của Bản án số 04/2005/HSST (phạm tội trong thời gian thử thách của án treo), bị can phải chấp hành 21 tháng tù, ra trại ngày 16/9/2007.
Theo quy định tại khoản 7 Điều 91 Bộ luật Hình sự 2015 thì án đã tuyên đối với người dưới 16 tuổi thì không tính là tái phạm, tái phạm nguy hiểm. Tại điểm b khoản 1 Điều 107 Bộ luật Hình sự thì “Không coi là có án tích đối với người dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng…”. C bị xét xử tại Bản án số 29/2006/HSST ngày 26/4/2006 về tội ít nghiêm trọng khi chưa đủ 18 tuổi nên bản án này không coi là có án tích và không tính là tiền án để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm.
Như vậy theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 thì Bản án số 29/2006/HSST ngày 26/4/2006 đối với C trong lần xét xử này không bị coi là tiền án nữa.
- Đối với Bản án số 47/2009/HSST ngày 26/02/2009, C phạm tội Cướp tài sản, ra trại ngày 03/01/2016, tính đến ngày phạm tội tại Bản án số 11/2018/HSST ngày 09/02/2018 của Tòa án nhân dân huyện L là ngày 11/8/2017 thì chưa đủ 3 năm nên theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 (áp dụng quy định có lợi về thời hạn đương nhiên xóa án tích) thì đến ngày phạm tội bị xét xử tại Bản án số 11/2018/HSST ngày 09/02/2018 C chưa được xóa án tích đối với Bản án số 47/2009/HSST ngày 26/02/2009. Trị giá tài sản bị chiếm đoạt đoạt tại Bản án số 11/2018/HSST ngày 09/02/2018 là 1.340.000 đồng, Bản án số 47/2009/HSST ngày 26/02/2009 là tình tiết định tội nên Bản án số 11/2018/HSST ngày 09/02/2018 không áp dụng tình tiết tăng nặng Tái phạm là đúng pháp luật. Cũng từ sự phân tích này thì đến lần phạm tội bị truy tố tại Cáo trạng số 47/CT-VKSLT ngày 09/10/2019 C có 2 tiền án nhưng chỉ bị chịu trách nhiệm hình sự với 1 tình tiết tăng nặng là Tái phạm ( không phải là tái phạm nguy hiểm). Lần phạm tội này của C là tái phạm đối với cả hai bản án số 47 và 11 nêu trên.
2. Cách xác định tái phạm của Viện Kiểm sát nhân dân huyện L: Cáo trạng số 47/CT-VKSLT ngày 09/10/2019 của Viện kiểm sát nhân dân huyện L xác định C có 3 tiền án, thể hiện tại 03 bản án gồm số 29/2006/HSST ngày 26/4/2006, số 47/2009/HSST ngày 26/02/2009 và số 11/2018/HSST ngày 09/02/2018, và xác định bị can bị chịu tình tiết tăng nặng Tái phạm. Quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân huyện L chỉ áp dụng tình tiết Tái phạm vì Bản án số 11/2018/HSST ngày 09/02/2018 đã coi Bản án số 29/2006/HSST, Bản án số 47/2009/HSST là tình tiết định tội nên không tính để xem xét xác định là tiền án ( để tính tái phạm, tái phạm nguy hiểm) cho lần phạm tội này nữa. Lần phạm tội này áp dụng tình tiết Tái phạm là tái phạm đối với Bản án số 11/2018/HSST.
Như vậy: Trong cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân huyện L xác định bị can C có 3 tiền án là chưa đúng ( Như đã phân tích ở trên). Việc xác định tái phạm trong trường hợp người phạm tội là người dưới 18 tuổi còn có những nhận thức chưa đầy đủ. Việc áp dụng quy định nguyên tắc có lợi cho người phạm tội chưa triệt để, chưa đúng trong việc xác định tiền án theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 dẫn đến vẫn xác định Bản án số 29/2006/HSST là tiền án là không đúng quy định của Bộ luật Hình sự.
Qua ví dụ cụ thể nêu trên thấy cần trao đổi với quý bạn đọc trong áp dụng nguyên tắc có lợi cho người phạm tội, áp dụng các quy định về xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội và cách xác định tái phạm trong trường hợp bản án trước đó là tình tiết định tội nhằm nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, ban hành cáo trạng.
Tác giả: Nguyễn Đức Hưởng + Mã Văn Hùng –
Phòng 1 VKS tỉnh Phú Thọ
Tin khác
- Phòng 1 VKSND tỉnh và Phòng PC04 Công an tỉnh Phú Thọ ký kết quy chế phối hợp trong công tác
- Phòng 1 VKSND tỉnh Phú Thọ hưởng ứng “Tháng hành động phòng chống ma túy”
- Viện KSND tỉnh Phú Thọ (Phòng 1) phối hợp với TAND tỉnh Phú Thọ tiến hành mở phiên tòa lưu động xét xử các vụ án ma túy
- Xét xử vụ án Mua bán trái phép 302 bánh Hêrôin.
- Ảnh Hội thao truyền thống lần thứ IV (26/7/1960 - 26/7/2020)
- Ảnh Đại hội Đảng bộ VKSND tỉnh Phú Thọ nhiệm kỳ 2020 - 2025
- Ảnh Hội thao truyền thống lần thứ III (26/7/1960 - 26/7/2019)
- Cán bộ nữ công VKS 2 cấp dâng hương tượng đài đồng chí Hoàng Quốc Việt năm 2019
- Ảnh cán bộ nữ công VKS tỉnh Phú Thọ tưởng niệm và báo công dâng Bác tại K9
- Thời hiệu khởi kiện áp dụng theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
-
Giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự
-
Một số vướng mắc khi áp dụng, thi hành hình phạt Cải tạo không giam giữ, quy định tại Điều 36 BLHS
-
Chi bộ Văn phòng tổng hợp tổ chức sinh hoạt chuyên đề Quý II/2020
-
Trao đổi về thủ tục niêm yết văn bản tố tụng dân sự của tòa án
-
Vướng mắc trong việc áp dụng quy định về giữ người trong trường hợp khẩn cấp
-
Một số vướng mắc khi áp dụng quy định của BLHS 2015, sửa đổi 2017 về tội Tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy