Hướng dẫn công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án an ninh và án ma tuý năm 2016.

09:41 - Thứ Sáu, 26/08/2016

Căn cứ Chỉ thị số 01/CT-VKSTC và Kế hoạch số 01/KH-VKS-VP ngày 25/12/2015 của Viện trư¬ởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2016. Căn cứ Hướng dẫn số 31 ngày 31/12/2015 của Vụ 4- Viện kiểm sát ND Tối cao hướng dẫn công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử sơ thẩm án ma túy năm 2015. Căn cứ Hướng dẫn số 10 ngày 12/01/2016 của Vụ 1- Viện kiểm sát ND Tối cao hướng dẫn công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử sơ thẩm án an ninh năm 2016.

Căn cứ Chỉ thị số 01/CT-VKSTC và Kế hoạch số 01/KH-VKS-VP ngày 25/12/2015 của Viện trư­ởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2016.

Căn cứ Hướng dẫn số 31 ngày 31/12/2015 của Vụ 4- Viện kiểm sát ND Tối cao hướng dẫn công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử sơ thẩm án ma túy năm 2015.

Căn cứ Hướng dẫn số 10 ngày 12/01/2016 của Vụ 1- Viện kiểm sát ND Tối cao hướng dẫn công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử sơ thẩm án an ninh năm 2016.

Thực hiện Kế hoạch số 01 ngày 04/01/2016 về công tác của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ năm 2016.

Phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án an ninh và án ma tuý Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ ( Phòng 1) hướng dẫn công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án an ninh và án ma tuý năm 2016 như sau:

 1. Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố:

Tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 02/8/2013 và các văn bản pháp luật hiện hành về công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Đến ngày 01/7/2016 thực hiện theo quy định của Luật tổ chức VKSND năm 2014 và Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Mở sổ tiếp nhận, quản lý đầy đủ số liệu, kịp thời phân loại xử lý, phân công kiểm sát viên THQCT và kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố do Cơ quan điều tra tiếp nhận, giải quyết. Tăng cường các biện pháp để kiểm sát chặt chẽ việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Phối hợp với Cơ quan điều tra bàn biện pháp giải quyết nhanh chóng, dứt điểm, kịp thời đối với các tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố; hạn chế việc để kéo dài và quá hạn. Phấn đấu nâng cao tỷ lệ phát hiện, xử lý tội phạm, tăng tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Kiên quyết thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhằm hạn chế oan, sai và chống bỏ lọt tội phạm ngay từ giai đoạn kiểm sát tố giác, tin báo về tội phạm. Kiểm sát trực tiếp việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm tại cơ quan điều tra, bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu, chất lượng các cuộc kiểm sát trực tiếp.

 Chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan ở địa phương để thống nhất xây dựng các quy định hoặc quy chế phối hợp trong nắm bắt và xử lý việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

 2. Công tác THQCT và kiểm sát việc bắt, tạm giữ, tạm giam:

Tiếp tục thực hiện đầy đủ các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 và các văn bản pháp luật hiện hành. Đến ngày 01/7/2016 triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định mới của Bộ luật TTHS ( năm 2015) về các căn cứ, điều kiện, thời hạn... trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam các tội phạm về an ninh và ma túy. Chủ động dà soát và có kế hoạch giải quyết án để bảo đảm đến ngày 01/7/2016 không có bị can nào có thời hạn tạm giam vượt quá thời hạn theo quy định của BLTTHS năm 2015.

 Nâng cao trách nhiệm trong việc phê chuẩn hoặc không phê chuẩn, quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn, nhất là biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo đảm việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn của các cơ quan tố tụng có căn cứ, đúng pháp luật. Đối với những trường hợp bắt, tạm giữ chưa đủ căn cứ, Viện kiểm sát phải kịp thời ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ của Cơ quan điều tra; không để xảy ra việc tạm giữ, tạm giam oan sai, quá thời hạn hoặc không có lệnh; việc phê chuẩn, ban hành các quyết định tố tụng chính xác, kịp thời, đúng pháp luật. Hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp bắt tạm giữ hình sự sau đó phải trả tự do xử lý hành chính hoặc lạm dụng việc bắt tạm giam để thay cho các biện pháp điều tra.

 Chủ động phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra, Nhà tạm giữ, Trại tạm giam thực hiện tốt các quy định mới của BLTTHS năm 2015 về đảm bảo việc bào chữa và tự bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.

3. Công tác thực hành quyền công tố, KSĐT án an ninh và án ma tuý:

Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 06/12/2013 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về "Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm".

Trong quá trình THQCT và KSĐT các vụ án hình sự, Kiểm sát viên cần tăng cường kiểm sát việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm. Kiểm sát viên phải chủ động bám sát quá trình điều tra để đẩy nhanh tiến độ điều tra, kịp thời đề ra các yêu cầu điều tra nhằm bảo đảm quá trình điều tra đ­ược khách quan, toàn diện, đầy đủ. Kiểm sát viên đề cao trách nhiệm, kiên quyết thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát theo quy định của pháp luật; phải yêu cầu cơ quan điều tra kịp thời bổ xung tài liệu, chứng cứ hoặc trực tiếp lấy lời khai đối với trường hợp không nhận tội, những trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất tinh thần hoặc tài liệu chứng cứ có mâu thuẫn, chưa rõ. Kiên quyết không phê chuẩn hoặc hủy bỏ các Lệnh, Quyết định không có căn cứ của cơ quan điều tra.

 Đối với những vụ án phức tạp, nhiều bị can, Kiểm sát viên phối hợp chặt chẽ với Điều tra viên rà soát toàn bộ chứng cứ buộc tội, gỡ tội và các thủ tục tố tụng; trực tiếp tham gia cùng Điều tra viên lập bản cung tổng hợp đánh giá đầy đủ, chính xác tính chất, mức độ và hậu quả đối với hành vi phạm tội của từng bị can trong vụ án. Nếu Kiểm sát viên và Điều tra viên có quan điểm khác nhau trong việc đánh giá, chứng cứ, tội danh hoặc đường lối xử lý vụ án, Kiểm sát viên phải chủ động báo cáo lãnh đạo đơn vị để phối hợp với lãnh đạo Cơ quan điều tra tổ chức họp liên ngành thống nhất quan điểm xử lý vụ án.

 Thực hiện việc phúc cung tổng hợp trước khi lập cáo trạng, nhất là với những vụ án truy xét, hành vi truy xét không thu giữ được vật chứng ( chất ma túy); những trường hợp lúc nhận tội, lúc chối tội thì phải phối hợp chặt chẽ với Điều tra viên để lấy lời khai, tổng cung, ghi âm, ghi hình...đảm bảo việc điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Hạn chế đến mức thấp nhất việc trả hồ sơ điều tra bổ xung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.

- Kiểm sát chặt chẽ các quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra như: Quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can, tạm đình chỉ điều tra vụ án, bị can; kịp thời phát hiện nhứng quyết định đình chỉ điều tra không đúng để yêu cầu Cơ quan điều tra hoặc tự mình ra quyết định hủy bỏ, phục hồi điều tra hoặc ra quyết định truy tố. Ngoài việc thống kê theo dõi các vụ án  tạm đình chỉ điều tra theo hướng dẫn chung, đối với các trường hợp tạm đình chỉ điều tra trong năm 2016 phải định kỳ rà soát các trường hợp tạm đình chỉ điều tra; tích cực đôn đốc cơ quan Công an truy bắt bị can trốn truy nã...để phục hồi điều tra. Kiểm sát chặt chẽ việc lập hồ sơ, sao tài liệu...của Cơ quan điều tra đối với các trường hợp tạm đình chỉ điều tra, đảm bảo đầy đủ tài liệu, chứng cứ...phục vụ việc xử lý  khi bắt được bị can bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

- Việc xây dựng cáo trạng phải thực hiện đúng mẫu 107 kèm Quy chế kiểm sát điều tra hình sự. Bản cáo trạng phải nêu được tóm tắt nội dung, diễn biến hành vi, phương thức, thủ đoạn thực hiện tội phạm, khối lượng hoặc thể tích ma túy thu giữ cùng dẫn chiếu bút lục hồ sơ.

- Tập trung lực lượng phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra và Tòa án nhân dân các cấp để giải quyết dứt điểm trong quý I năm 2016 tất cả các vụ việc liên quan đến việc giám định hàm lượng chất ma túy theo Công văn 234 của Tòa án nhân dân tối cao. Việc giải quyết các vụ án phải đảm bảo đúng quy định của Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Thông tư liên tịch số 08 và các văn bản hướng dẫn của Ngành. Trường hợp xử lý các vụ án về ma túy không theo các quy định trên phải được tập hợp và báo cáo kịp thời về VKSND tỉnh (Phòng 1) để tập hợp, báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo VKSND tỉnh.

4. Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm án an ninh - án ma tuý:

Nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố trong hoạt động xét xử, trọng tâm là: “Nâng cao chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa Thực hiện nghiêm túc chủ trương thông khâu thông THQCT, KSĐT, KSXXST các vụ án hình sự. Cố gắng bố trí các Kiểm sát viên đã thụ lý THQCT và KSĐT vụ án nào thì sẽ THQCT và KSXXST với vụ án đó. Trường hợp đặc biệt mới bố trí Kiểm sát viên khác THQCT và KSXXST vụ án. Các Kiểm sát viên khi được phân công THQCT và KSXXST phải nghiên cứu kỹ tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án, xây dựng đề cương xét hỏi; tích cực, chủ động xét hỏi, tranh luận với luật sư và người tham gia tố tụng khác để xác định sự thật của vụ án, đồng thời đề xuất xử lý vụ án khách quan, chính xác, đúng pháp luật. Hạn chế thấp nhất việc Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ xung. Không để xảy ra việc Viện kiểm sát truy tố Toà án tuyên không phạm tội; hạn chế việc Tòa án xét xử khác với tội danh, điều khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố hoặc bản án bị sửa, hủy có liên quan đến trách nhiệm của kiểm sát viên.

Tích cực phối hợp với Tòa án tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tranh tụng của Kiểm sát viên đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, góp phần nâng cao chất lượng công tác kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án an ninh, ma túy. Chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra, Tòa án cùng cấp xác định các vụ án cần giải quyết theo thủ tục rút gọn; các vụ án trọng điểm, phức tạp về ma túy, tập trung lực lượng để điều tra, truy tố, xét xử phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

Kiểm sát chặt chẽ bản án, quyết định của tòa án; kháng nghị kịp thời, có căn cứ, có chất lư­ợng, các bản án, quyết định của Toà án có vi phạm pháp luật.  

Thông qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong việc giải quyết án an ninh, ma túy, tổng hợp các vi phạm, thiếu sót của Cơ quan điều tra, Toà án và các cơ quan hữu quan để ban hành kiến nghị yêu cầu khắc phục, sửa chữa kịp thời. Mặt khác phải phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong quản lý Nhà n­ước, quản lý xã hội để ban hành kiến nghị phòng ngừa vi phạm và tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

5. Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành:

- Quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 111; Nghị quyết số 113/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội; Nghị quyết số 37 ngày 27/11/2012; Nghị quyết số 63 ngày 23/11/2013 của Quốc hội; Nghị quyết số 96 ngày 26/6/2015; Chỉ thị số 04/CT-VKSTC ngày 10/7/2015 của Viện trưởng VKSND tối cao Tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và nâng cao trách nhiệm trong giải quyết bồi thường thiệt hại cho bị can bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự; Quyết định số 62/QĐ-VKSTC ngày 22/02/2013 của Viện trưởng VKSND tối cao, trong đó hạn chế tối đa việc bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, tăng cường pháp chế trong hoạt động tư pháp. Quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Luật tổ chức cơ quan điều tra, luật thi hành tạm giữ, tạm giam...

- Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo theo Quy chế 379 ngày 13/07/2013 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Công tác thống kê hình sự, thống kê tội phạm bảo đảm kịp thời, số liệu chính xác theo các yêu cầu đề ra.

- Đối với án thỉnh thị: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nếu có vướng mắc mà Viện kiểm sát cấp huyện không thể tự giải quyết được, cần phải thỉnh thị Viện kiểm sát tỉnh, thì đề nghị các viện kiểm sát huyện, thành, thị gửi hồ sơ vụ án và công văn xin ý kiến về phòng 1, trong công văn thỉnh thị cần thể hiện rõ quan điểm về những nội dung cần thỉnh thị.

- Cáo trạng, án văn của cấp huyện đề nghị đồng chí Viện trưởng VKS cấp huyện chỉ đạo gửi đầy đủ, gửi ngay sau khi ban hành cáo trạng và nhận được bản án của Tòa án, bảo đảm được thời gian theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự  để Viện tỉnh kịp thời theo dõi, kiểm tra và chỉ đạo.

- Rà soát, đối chiếu số liệu vụ án, bị can do Cơ quan điều tra và VKS tạm đình chỉ điều tra từ những năm trước đến nay. Tổng hợp số liệu và theo dõi, quản lý kết quả xử lý đối với các trường hợp tạm đình chỉ điều tra, bảo đảm việc giải quyết vụ án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm.

- Định kỳ hàng tháng Viện kiểm sát cấp huyện xây dựng báo cáo án ma túy, án an ninh đình chỉ do miễn trách nhiệm hình sự; hàng tháng, 6 tháng, 1 năm xây dựng báo cáo chuyên đề án trả hồ sơ để điều tra bổ xung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng gửi Phòng 1 Viện kiểm sát ND tỉnh Phú Thọ. Đối với báo cáo án trả hồ sơ để điều tra bổ sung cần phải phân tích rõ vụ nào trả đúng, vụ nào trả sai, lý do, đồng thời xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm đối với việc trả hồ sơ đó.

-  Theo dõi, quản lý, xây dựng các chuyên đề:

+ Nâng cao chất lượng THQCT, KSĐT, KSXXST các vụ án hình sự nhằm hạn chế việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.

+ Những khó khăn, vướng mắc và giải pháp trong thực hiện các quy trình, thủ tục tố tụng về việc quản lý, thu giữ thư, điện tín của các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội, nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm ma túy nói riêng.

+ Những quy định mới của pháp luật và những vấn đề cần lưu ý  nhằm bảo đảm thực hiện tốt công tác THQCT và KSĐT các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia và các vụ án mà luật giao cho cơ quan ANĐT thụ lý điều tra.

- Rà soát các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của liên ngành tư pháp Trung ương, của ngành Kiểm sát nhân dân về công tác THCT, KSĐT, KSXXST các vụ án về ma túy để đề nghị VKSND tối cao nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ cho phù hợp với các quy định pháp luật mới ban hành. Báo cáo rà soát và đề nghị của VKSND các huyện, thành, thị  gửi về VKSND tỉnh Phú Thọ ( Phòng 1) trước ngày 24/02/2016 để VKSND tỉnh tổng hợp báo cáo VKSND tối cao.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện căn cứ Chỉ thị về công tác kiểm sát năm 2016 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;  Kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm công tác kiểm sát năm 2016 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ và Hướng dẫn công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra kiểm sát xét xử sơ thẩm án an ninh và án ma tuý của Phòng 1 để quán triệt, triển khai thực hiện tới toàn thể cán bộ trong đơn vị.

Trên đây là hướng dẫn công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án an ninh và án ma tuý năm 2016 của phòng 1 Viện kiểm sát ND tỉnh Phú. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề gì khó khăn, vướng mắc, đề nghị Viện kiểm sát huyện, thành thị phản ánh kịp thời về Phòng 1- Viện kiểm sát nhân dân tỉnh để phối hợp giải quyết./.