Công tác thanh tra trong ngành Kiểm sát nhân dân

02:26 - Thứ Năm, 29/03/2018

         1. Về nhận thức chung đối với hoạt động thanh tra nói chung và hoạt động thanh tra trong ngành Kiểm sát nhân dân nói riêng
 
         Nói đến hoạt động thanh tra, kiểm tra là nói đến hoạt động quản lý, chỉ đạo và điều hành của bất kỳ người lãnh đạo nào trong hệ thống các cơ quan, tổ chức. Họat động lãnh đạo, chỉ đạo mà không có thanh tra, không có kiểm tra việc thực hiện thì đó không phải là hoạt động lãnh đạo, không phải là hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành. Thanh tra, kiểm tra là để nhằm cho các hoạt động của bộ máy đi đúng quỹ đạo, đúng trọng tâm và đạt được mục tiêu quản lý đề ra. Tùy theo chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức để có các biện pháp, phương pháp thanh tra, kiểm tra tác động đến đối tượng quản lý cho phù hợp. Thanh tra nhằm mục tiêu là làm cho bộ máy vận hành đúng quy trình, đúng quy định và đúng điều lệ của tổ chức đó. Những hành vi công vụ của từng cá nhân trong bộ máy khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công có đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của ngành đó hay không? Mục tiêu của thanh tra, kiểm tra là như vậy, chứ không phải là để tìm kiếm vi phạm, sai phạm để xử lý. Chúng tôi cho rằng: Mục tiêu của thanh tra, kiểm tra là để nhằm chấn chỉnh, uốn nắn, chứ không phải nhằm xử lý. Tuy nhiên, việc phát hiện vi phạm, xử lý vi phạm chỉ là biện pháp cuối cùng xử lý hậu quả của sai phạm, vi phạm do không thực hiện đúng quy trình, gây ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu quản lý. Mặt khác khi xử lý vi phạm, chúng tôi cũng nhận thức rất rõ ràng là: Phải xem xét toàn diện, phải đứng ở góc độ nhà quản trị để cân nhắc, đánh giá vi phạm. Động cơ, mục đích, thái độ hành xử của người vi phạm và phải vô tư, khách quan. Đánh giá sự vật, hiện tượng phải đặt trong hoàn cành lịch sử cụ thể, mọi khuôn vàng, thước ngọc dùng trong thanh tra, kiểm tra chỉ là khuôn mẫu pháp lý để xác định đúng- sai. Còn việc xử lý cái sai, cái đúng đó lại là một vấn đề thuộc về đạo đức, lương tâm, trách nhiệm và cả về chính sách cán bộ của người làm công tác thanh tra, kiểm tra. Đối với ngành Kiểm sát nhân dân của chúng ta cũng không nằm ngoài quy luật đó.
         Trong nhiều năm qua, chúng ta chưa bao giờ có một hệ thống tổ chức thanh tra đầy đủ, hoàn thiện mà lẽ ra nó phải có từ lâu. Trước đây, chúng ta chỉ có Ban thanh tra ở VKSNDTC, xong Ban thanh tra hoạt động cũng chỉ mang tính hình thức, hiệu quả hoạt động không cao. Nguyên nhân cũng một phần do hoàn cảnh và yếu tố lịch sử. Trong vài năm trở lại đây chúng ta đã thành lập cơ quan thanh tra chuyên trách ở VKSNDTC. Cơ quan này hoạt động với tư cách như một đơn vị độc lập do Viện trưởng VKSNDTC trực tiếp chỉ đạo và như vậy rõ ràng là hiệu quả hơn nhiều so với trước đây. Chúng tôi cho rằng: Đây là một bước chuyển mang tính căn cơ, đột phá cả về lượng và chất của tổ chức Thanh tra ngành. Sau đó là 08 tỉnh, thành phố lớn được thành lập Thanh tra độc lập (tương đương cấp Phòng). Như vậy tới nay, toàn quốc đã có 48 tỉnh, thành phố đã được thành lập Thanh tra với tư cách là một đơn vị nghiệp vụ độc lập do Viện trưởng VKSND cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo. Trong hoạt động quản lý, chỉ đạo và điều hành của ngành Kiểm sát thì Thanh tra là cánh tay nối dài của Viện trưởng trong tổng thể hoạt động quản lý. Ở VKSNDTC, Thanh tra giúp cho Viện trưởng nắm chắc được đầy đủ các thông tin về tình hình hoạt động của toàn ngành, kết hợp với các kênh thông tin khác từ các đầu mối nghiệp vụ của VKSNDTC, VKSND các địa phương để Viện trưởng thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo toàn ngành từ việc hoạch định chính sách vĩ mô đến chỉ đạo xử lý các tình huống, các vụ việc cụ thể phát sinh trong hoạt động THQCT, KSĐT, KSXX, kiểm sát hoạt động tư pháp…Rõ ràng là kể cả về mặt hình thức lẫn nội dung, việc thành lập hệ thống Thanh tra đầy đủ từ VKSNDTC đến VKSND các địa phương đã giúp cho Viện trưởng viện kiểm sát các cấp thực hiện có hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành cả về chiều rộng và chiều sâu xét về mặt khoa học quản lý và thực tiễn quản lý ngành.
 
         2. Những vấn đề cần được bổ sung, hoàn thiện để phân định rạch ròi cơ chế hoạt động giữa Thanh tra với chức năng kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ của các đơn vị nghiệp vụ trong hệ thống ngành KSND
 
         Thực tiễn hoạt động kiểm sát hiện nay cho thấy: Chúng ta chưa phân định rõ ràng phạm vi, đối tượng thanh tra với các hoạt động kiểm tra, hướng dẫn của các đơn vị nghiệp vụ. Mặc dù khi tiến hành thanh tra đều ra Quyết định thanh tra còn các đơn vị nghiệp vụ thì chỉ cần có công văn hoặc thậm chí điện thoại thông báo, yêu cầu…vì hoạt động kiểm tra, hướng dẫn của Kiểm sát viên được phân công phụ trách địa bàn, địa phương hoặc của các vụ là công việc thường xuyên. Đối với thanh tra thì chỉ khi có sự việc cụ thể hoặc theo chỉ đạo của Viện trưởng thì thanh tra mới phát sinh các quyết định hành chính, để tiến hành thanh tra. Xong xét về bản chất thì cơ bản là giống nhau, đều tiến hành các hoạt động yêu cầu cán bộ, Kiểm sát viên, đơn vị bị thanh tra (kiểm tra) chuẩn bị hồ sơ, tài liệu, giải trình, báo cáo, tiến hành xác minh, thu thập các tài liệu, thông tin đề làm rõ vấn đề cần chứng minh, xử lý. Thực tế cho thấy: Có những nội dung của thanh tra giống như nội dung kiểm tra, xác minh của Vụ tổ chức cán bộ, khi đi vào kiểm tra, giải quyết lại phải kiểm tra cả hồ sơ vụ việc, thậm chí làm việc cả với các cơ quan liên quan trong, ngoài các cơ quan tố tụng và tư pháp, thậm chí có nhiều nội dung lại thuộc vụ giải quyết khiếu tố hoặc Cơ quan điều tra hoặc Vụ Tổ chức cán bộ Viện kiểm sát nhân dân tối cao…Tất cả những vấn đề đó cần phải được khẩn trương làm rõ. Nói thì dễ, nếu không làm rõ được “Lằn ranh” giữa Thanh tra với các hoạt động kiểm tra thông thường của các đơn vị nghiệp vụ thì sẽ rất khó khăn trong việc giải quyết và xử lý. Nó giống như mô hình quản lý đa ngành. Cùng một vấn đề, một vụ việc cụ thể nhưng khi đi vào giải quyết, xử lý thì thấy: Cơ quan nào cũng thấy mình có trách nhiệm, thẩm quyền phán xét ở trong đó. Hoạt động của VKSND là hoạt động đặc thù, hoạt động tư pháp. Để kết luận vụ việc cụ thể nào đó đúng, sai, nếu đơn giản, rõ ràng thì thanh tra có thể kết luận ngay được. Xong đối với một số trường hợp phức tạp như áp dụng pháp luật tố tụng để xử lý các vụ án cụ thể để kết luận đúng, sai thì không hề đơn giản, thậm chí có vụ việc phải đưa ra cả tập thể UBKS để bàn bạc và tranh luận. Các vấn đề để đưa ra kết luận đúng, sai đều phải có giải trình, phản biện, kiến giải có căn cứ pháp lý công tâm, khách quan và thuyết phục. Trong khi đó mỗi chủ thể (kể cả chủ thể là những người làm công tác thanh tra, lãnh đạo, chỉ đạo ở các đơn vị nghiệp vụ; kể cả các thành viên UBKS, chủ thể là đối tượng bị thanh tra là cá nhân hay tập thể) lại có cái nhìn, cách tiếp cận vấn đề khác nhau. Đây là vấn đề khó khăn khi triển khai hoạt động thanh tra và xử lý vi phạm sau thanh tra.
 
         3. Những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất
 
         Thực tiễn cho thấy nhiều khi chúng ta bị chi phối bởi áp lực tin đồn, dư luận, đặc biệt là tâm lý đám đông mà quên đi mất một nguyên tắc: Đánh giá sự vật, hiện tượng phải đặt nó trong một hoàn cảnh lịch sử cụ thể, hoàn cảnh lịch sử cụ thể đó là gì: Cùng một vấn đề đúng, sai phải xem xét động cơ, mục đích, hoàn cảnh xuất hiện, cơ chế chính sách nó là như vậy, buộc con người quản lý phải thích ứng. Con người chúng ta là tổng hòa các mối quan hệ xã hội, chúng ta không phải là thánh, không có ai hoàn hảo cả. Miễn sao mỗi hành vi xử sự, hành vi công vụ không vượt quá ranh giới của đạo đức và pháp luật. Do vậy cán bộ làm công tác thanh tra phải có trình độ, năng lực nghiệp vụ vững vàng. Nghề kiểm sát là nghề chuyên môn và lại là chuyên môn sâu. Đối tượng của thanh tra toàn là các chủ thể có chức danh tư pháp, được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm dày dặn trong hoạt động tư pháp, trong các kinh nghiệm đó có cả kinh nghiệm che giấu. Trong hoạt động thanh tra, không tránh khỏi tâm lý: Kết luận đúng, sai đều dựa tên quy trình, quy phạm, khuôn vàng, thước ngọc để áp dụng “Hình phạt” nhưng chúng ta lại quên đi mất một điều là: Những quy trình, quy phạm quản lý đó là những vấn đề thuộc về “Thượng tầng kiến trúc” nhưng trong những cái thuộc về thượng tầng kiến trúc đó, có nhiều cái không phù hợp với thực tiễn của cuộc sống, không phù hợp với hạ tầng cơ sở đó là điều kiện kinh tế, xã hội, yếu tố con người, đội ngũ cán bộ tư pháp, cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ, trình độ văn hóa, dân trí vùng, miền, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng…Nếu cứ quy chiếu theo các quy định, quy tắc về tư pháp hình sự, tư pháp về dân sự…pháp luật về chức trách, công vụ hiện hành thì khó mà tránh khỏi sự “trừng phạt” nghiêm khắc như hiện nay mà quy chế thanh tra đang có hiệu lực thi hành. 
         Hiện nay, chúng ta đã có 48 tỉnh, thành phố thành lập thanh tra chuyên trách, độc lập. Xong còn 15 tỉnh và hơn 10 đầu mối chưa thành lập thanh tra độc lập. Các đơn vị này chỉ có Tổ thanh tra nằm trong Phòng Tổ chức cán bộ lại hoạt động kiêm nhiệm cả công việc của Phòng tổ chức cán bộ, văn phòng Đảng ủy, văn phòng Ban cán sự Đảng, mà công việc gì làm kiêm nhiệm thì không bao giờ đạt hiệu quả cao. Vì sẽ không chuyên sâu cả về trách nhiệm và năng lực chuyên môn được. Thực tế cho thấy, ở những địa phương không có thanh tra độc lập, chuyên trách chỉ có Tổ thanh tra nằm trong Phòng tổ chức cán bộ, phòng này chỉ có tối đa 2 Kiểm sát viên trung cấp, 1 là Trưởng phòng, 1 là Phó trưởng phòng kiêm Tổ trưởng tổ thanh tra lại kiêm nhiệm các công việc khác nhau, nên có nhiều nội dung, chương trình công tác do Thanh Tra VKSNDTC đưa về, việc thực hiện chỉ mang tính hình thức, không đảm bảo theo yêu cầu đề ra. Tuy nhiên vấn đề cần đưa ra bàn ở đây, theo chúng tôi là vấn đề cán bộ làm công tác thanh tra, đặc biệt là chất lượng đội ngũ cán bộ làm thanh tra chuyên trách. Đây là một khâu yếu, yếu ở chỗ là chúng tôi rất khó khăn trong lựa chọn cán bộ làm công tác thanh tra, vì làm Thanh tra ngoài phẩm chất đạo đức, năng lực thanh tra, trách nhiệm, tâm huyết với công việc thanh tra mà mình được giao, vấn đề đáng lo ngại nhất là năng lực nghiệp vụ của số Kiểm sát viên trung cấp có đáp ứng được yêu cầu của công tác thanh tra không? Chúng ta đều thống nhất chỉ đạo là: Đã là Kiểm sát viên thì người đó phải thành thạo tất cả các khâu công tác kiểm sát, trong đó phải thật sự chuyên sâu lĩnh vực công tác mà mình đang làm. Đối với người làm công tác thanh tra thì phải đòi hỏi hơn thế. Không những phải nắm chắc tất cả các lĩnh vực công tác của ngành, đồng thời còn phải có năng lực thanh tra, năng lực phát hiện vi phạm và xử lý vi phạm, năng lực hướng dẫn áp dụng pháp luật. Tóm lại là cán bộ thanh tra phải hội tụ đủ các phẩm chất:
 
         - Năng lực điều tra.
         - Năng lực thực hành quyền công tố, KSĐT, KSXX.
         - Năng lực kiểm sát các hoạt động tư pháp.
 
         Và cuối cùng là phải có tầm nhìn, tư duy linh hoạt năng động, không sơ cứng, máy móc và rất nhân văn, bên cạnh đó, một vấn đề rất quan trọng đặt ra là yêu cầu cán bộ thanh tra phải có kiến thức về quản lý kinh tế, xã hội sâu rộng để có đủ khả năng: Chấn chỉnh được đối tượng thanh tra. Phát hiện được sai phạm, phát hiện được sự lệch chuẩn trong hoạt động nghiệp vụ, chỉ ra được biện pháp khắc phục vi phạm và xử lý vi phạm một cách thỏa đáng, thấu tình, đạt lý. Hướng dẫn, giải đáp được những vướng mắc, bất cập của cấp dưới, của đối tượng thanh tra. Có năng lực thực tiễn trong hoạt động kiểm tra, điều tra thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định vi phạm. Có năng lực phân tích, đánh giá chứng cứ, tổng hợp kết quả thanh tra, xây dựng dự thảo kết luận thanh tra, khả năng phản biện khi công bố kết luận thanh tra, năng lực tham mưu trong xử lý vi phạm. Tất cả những phẩm chất nêu trên không phải Kiểm sát viên nào, cán bộ thanh tra nào cũng có được.
         Do định biên về số lượng Kiểm sát viên trung cấp của VKSNDTC giao về cho VKSND các địa phương là có hạn. Số Kiểm sát viên này trước đây đều bố trí ở các đơn vị nghiệp vụ và làm Viện trưởng, Phó viện trưởng ở các đơn vị tuyến 2 (VKS cấp huyện). Nên việc bố trí Kiểm sát viên trung cấp làm công tác thanh tra chuyên trách là rất khó khăn. Đó là chưa kể đến rất ít người không muốn làm công tác thanh tra. Vì sao lại như vậy:
         Về nguyên nhân chủ quan: Số Kiểm sát viên này đã làm nghiệp vụ kiểm sát ở các khâu công tác đã nhiều năm, ngại thay đổi. Thanh tra là một hoạt động mới lại hay va chạm anh em nội bộ trong ngành. Nay thành lập thanh tra, rút ai về làm công tác thanh tra là cả một câu chuyện. Vấn đề không phải đơn thuần là điều động cán bộ, nếu trẻ quá, thì chưa có kinh nghiệm vì mới được bổ nhiệm làm Kiểm sát viên trung cấp, chưa có nhiều trải nghiệm, thậm chí từ khi bổ nhiệm Kiểm sát viên sơ cấp, trung cấp, có đồng chí chưa một lần làm công tác thực hành quyền công tố, KSĐT, KSXX án hình sự, chưa đủ tầm để kiểm tra, hướng dẫn và phán quyết đúng, sai. Nếu có tuổi rồi thì ngại hay đổi. Đây là vấn đề có liên quan đến chính sách cán bộ…Đây là cái khó cho Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Viện khi bố trí phân công và điều động cán bộ. Ở các đơn vị nghiệp vụ thì đòi hỏi rất cần số cán bộ, Kiểm sát viên có năng lực chuyên môn sâu, có thể “cầm trịch” được trong hoạt động công tố, điều tra đối với Điều tra viên và trong tranh tụng tại các phiên tòa. Nếu rút sang làm thanh tra thì cũng là cả vấn đề suy tính và cân nhắc rất khó khăn trong khi chúng ta lại chưa có đủ số Kiểm sát viên vững tay nghề để thay thế.
         Nguyên nhân khách quan: Do yêu cầu ở các đơn vị nghiệp vụ đòi hỏi phải bố trí một đội ngũ Kiểm sát viên vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ để phòng chống oan, sai, nâng cao chất lượng công tác kiểm sát tư pháp…Như trên đã trình bày, nghề Kiểm sát là nghề chuyên môn và lại là chuyên sâu. Nếu không có chuyên môn sâu, vững vàng và không có kinh nghiệm và năng lực thực tiễn thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu. Chúng ta đang chủ trương và tập trung chỉ đạo: Tăng cường trách nhiệm công tố, gắn chặt hơn nữa công tố với điều tra . Nếu “Phòng tuyến” này yếu thì sớm hay muộn cũng sẽ lại trở thành đối tượng của thanh tra. Đây là một bài toán khó giải quyết về bố trí và sắp xếp cán bộ thanh tra cũng như bố trí đội ngũ Kiểm sát viên cho các đơn vị nghiệp vụ mũi nhọn của ngành. Hoạt động THQCT, KSĐT, kiểm sát hoạt động tư pháp là một nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước giao cho ngành Kiểm sát. Hoạt động thanh tra là một trong thực hiện chức năng quản lý của Ban lãnh đạo cao nhất của ngành Kiểm sát. Cả hai lĩnh vực hoạt động (THQCT, kiểm sát hoạt động tư pháp và thanh tra) có quan hệ mật thiết với nhau.
         Một vấn đề đáng quan tâm là: Chúng ta chưa có cơ chế đãi ngộ thỏa đáng cho đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra chuyên trách. Chính vì vậy mà khó thu hút và sắp xếp được một đội ngũ thanh tra chuyên nghiệp, chuyên tâm vào việc thực hiện chức năng.
 
         Những kiến nghị, đề xuất:
 
         Qua thực tiễn công tác quản lý, chỉ đạo điều hành ở địa phương chúng tôi thấy cần kiến nghị và đề xuất với Lãnh đạo VKSNDTC một số vấn đề sau đây:
         - Cần có quy định rõ ràng về độ tuổi và chức danh pháp lý (Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm tra viên…cán bộ giúp việc) làm công tác thanh tra, nhất là các đồng chí làm Chánh thanh tra và Phó chánh thanh tra ở VKSND cấp tỉnh. Cụ thể là: Cần có hướng dẫn rõ ràng bằng văn bản là: Chánh thanh tra ngoài quy định phải là Kiểm sát viên trung cấp từ bao nhiêu năm trở lên, phải là người đã trải qua các khâu công tác cơ bản của ngành và có năng lực, kinh nghiệm chuyên môn sâu, nhất là các đồng chí đã từng giữ chức vụ Viện trưởng, Phó viện trưởng VKSND cấp huyện trở lên. Phó Chánh thanh tra cũng phải như vậy. Ở mỗi đơn vị thanh tra, cần quy định rõ có từ 3 đến 4 người. Trong đó có ít nhất là 2 đến 3 Kiểm sát viên trung cấp còn lại 1 Kiểm sát viên sơ cấp và 1 Kiểm tra viên, không bố trí cán bộ mới vào ngành ở thanh tra.
         - Cần thành lập thanh tra ở tất cả các đơn vị VKSND cấp tỉnh, thành phố và các đơn vị đầu mối trực thuộc VKSNDTC để tạo sự đồng bộ của hệ thống.
         - Cần phân định rõ thẩm quyền của thanh tra, phạm vi thanh tra, Thanh tra VKSNDTC, Thanh tra ở các đơn vị cấp dưới để tránh chồng chéo (Một vụ án bị đình chỉ do không phạm tội- Vụ 15 cũng xem xét, yêu cầu báo cáo, các vụ nghiệp vụ khác thuộc VKSNDTC cũng yêu cầu báo cáo và kiểm tra hồ sơ, xem xét…Thanh tra cũng kiểm tra, xem xét…)
         - Có cơ chế, chính sách đãi ngộ cụ thể cho đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra. Việc đề xuất như trên hợp lý cả về khoa học quản lý cũng như thực tiễn đòi hỏi đó là:
         + Thứ nhất là: Luật tổ chức VKSND có quy định ngành kiểm sát nhân dân có thanh tra ngành. Nếu chúng ta thành lập đồng bộ các đơn vị thanh tra ở tất cả các đơn vị đầu mối thì chúng có cơ sở đề nghị với Đảng, Nhà nước cho giữ nguyên biên chế với lý do có các đơn vị chức năng thành lập mới.
        + Thứ hai là: Chúng ta cũng có sơ sở để đề nghị cho tăng số lượng Kiểm sát viên ở cả 4 cấp Kiểm sát, từ đó không những có nguồn Kiểm sát viên bổ sung cho các đơn vị nghiệp vụ mà còn bổ sung cho thanh tra VKSND các cấp. 
         + Thứ ba là: Trong mục lục chi ngân sách của ngành, chỉ cần Cục 3 dành hẳn một khoản, mục chi cho hoạt động thanh tra trong tổng kinh phí chi thường xuyên hàng năm cấp cho các đơn vị (giống như kinh phí cấp cho công tác kiểm sát Trại giam mà hiện nay chúng ta đang làm) thì hiệu quả công tác thanh tra sẽ có sự thay đổi căn bản cả về lượng và chất. Chúng ta không nên tiếc tiền cho công tác này.
         Hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND ngày càng khó khăn và tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao, nhất là trách nhiệm quản lý, chỉ đạo, điều hành của Người đứng đầu. Quản lý chặt quá cũng khó, vì cuộc sống đời thường đâu phải chỉ có những nguyên tắc. Nhưng buông lỏng một chút thôi là có thể xảy ra nhiều chuyện không mong muốn.
         Tại Hội nghị Thanh tra do VKSNDTC tổ chức ngày 30/8/2016 tại thành phố Hải Phòng, Hội nghị này gồm 28 tỉnh, thành phố phía Bắc do đồng chí Nguyễn Hải Phong- Phó Viện trưởng thường trực chủ trì, có nhiều ý kiến tham luận tham gia vào Dự thảo quy chế thanh tra khi đó. Có nhiều vấn đề được đưa ra phân tích, đánh giá xoay quanh mô hình, hoạt động của cơ quan Thanh tra cũng như các vấn đề xác định vi phạm và xử lý vi phạm trong ngành. Cho đến nay, hầu hết đội ngũ cán bộ trong ngành đều cảm nhận rất rõ tính “nghiệt ngã” của các quy định về xác định vi phạm và xử lý vi phạm trong Thanh tra. Do vậy, chúng tôi đề nghị: Nếu phải thanh tra thì chỉ tập trung vào kiểm tra những vi phạm mang tính cố ý làm trái chức trách công vụ, động cơ cá nhân, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý gây hậu quả xấu trong xã hội, trong ngành. Kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn để phòng ngừa vi phạm. Cần tăng cường mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng thanh tra cho cán bộ làm công tác thanh tra. 
         Tránh việc thành lập thanh tra xong, nhưng hoạt động không hiệu quả. Các đơn vị nghiệp vụ phải thường xuyên phối hợp và thường xuyên cung cấp, trao đổi thông tin với lực lượng thanh tra để từ đó Thanh tra chủ động nắm bắt thông tin, tham mưu kịp thời cho Viện trưởng xem xét, quyết định thanh tra và xử lý vi phạm sau thanh tra.
         Việc thanh tra toàn diện chỉ nên áp dụng ở Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao đối với các đơn vị và địa phương. Còn ở các địa phương cần tổ chức thanh tra theo chuyên đề, theo vụ việc phát sinh ở địa phương và căn cứ yêu cầu thực tế do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh quyết định. Thanh tra xây dựng kế hoạch, nội dung kiểm tra, thanh tra từng lĩnh vực theo tháng, quý. Kế hoạch thanh tra này do Viện trưởng tỉnh phê duyệt bằng quyết định thì đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với thực tiễn ở địa phương, không nhất thiết cứ mỗi lần thanh tra đơn vị nào thì phải ra quyết định. Trừ trường hợp cá biệt, đột xuất khi có vụ việc phát sinh mà Viện trưởng xét thấy cần thiết. Hoạt động thanh tra ở địa phương cần được thực hiện thường xuyên, liên tục đối với tất cả các đơn vị nghiệp vụ để kịp thời phát hiện sai sót, hướng dẫn các đơn vị tháo gỡ vướng mắc phát sinh hàng ngày trong hoạt động kiểm sát ở từng đơn vị, từng địa phương. Ví dụ như kiểm tra, thanh tra án tạm đình chỉ, án đình chỉ, án sai nhưng không kháng nghị, cho hưởng án treo không đúng, cho hoãn thi hành án không đúng. Thanh tra việc tiếp nhận giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, thanh tra việc xây dựng hồ sơ kiểm sát…kỹ năng, quy trình lập hồ sơ kiểm sát. Đó là những việc cần phải được thanh tra, kiểm tra thường xuyên vì các hoạt động này ở các Viện kiểm sát địa phương đều có thời hạn, thời hiệu, nếu không làm thường xuyên sẽ gặp khó khăn sau này.

         Trên đây là một số nội dung liên quan đến hoạt động thanh tra của ngành mà tác giả đã nghiên cứu. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của các độc giả quan tâm.

 
                                                                            Đoàn Minh Hương - Viện trưởng VKSND tỉnh Phú Thọ