image banner
 
Bàn về vấn đề đình chỉ giải quyết vụ án khi nguyên đơn vắng mặt hai lần tại phiên họp hòa giải

1. Tình huống thực tiễn

Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là việc Tòa án ra quyết định ngừng hẳn việc giải quyết vụ án dân sự đã thụ lý khi có căn cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS). Việc đình chỉ giải quyết vụ án sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của đương sự, chấm dứt tư cách tham gia tố tụng, chấm dứt quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Các căn cứ để ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự được quy định tại Điều 217 BLTTDS năm 2015. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử còn nhiều quan điểm khác nhau về căn cứ đình chỉ theo điểm c khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015: “1. Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau đây: … c) Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan”. Vấn đề đặt ra là: Trường hợp nguyên đơn vắng mặt trong phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải thì Tòa án có đình chỉ giải quyết vụ án theo căn cứ trên hay không?

Thực tiễn có trường hợp như sau: Anh Đinh Văn Đ khởi kiện chị Trần Thị T đến Tòa án nhân dân (TAND) huyện G về việc đề nghị thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Ngày 13/12/2022, TAND huyện G thụ lý vụ án. Ngày 15/02/2023 và ngày 28/02/2023, TAND huyện G tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, nhưng anh Đ vắng mặt, chỉ có chị T tham gia. Ngày 28/02/2023, TAND huyện G ban hành quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Ngày 06/3/2023, anh Đ có đơn kháng cáo quyết định đình chỉ trên; TAND tỉnh N thụ lý giải quyết vụ án theo trình tự phúc thẩm.

2. Các quan điểm về quyết định đình chỉ giải quyết vụ án

Trong quá trình giải quyết vụ án trên theo thủ tục phúc thẩm, có hai quan điểm như sau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Cần hủy quyết định đình chỉ của TAND huyện G, tiếp tục giải quyết vụ án theo trình tự sơ thẩm. Tòa án cấp sơ thẩm phải xem việc nguyên đơn vắng mặt lần thứ hai tại phiên họp hòa giải như trường hợp vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được, lập biên bản không tiến hành hòa giải được và thực hiện các bước tố tụng khác để giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật. Quan điểm này dựa trên các căn cứ sau:

- Điểm c khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015 quy định Tòa án sẽ đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong trường hợp nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan. Có thể hiểu cụm từ “đề nghị xét xử vắng mặt” là việc xét xử tại phiên tòa. Do đó, căn cứ này phải được hiểu là nguyên đơn được triệu tập hợp lệ hai lần, nhưng vẫn vắng mặt tại phiên tòa mà không có đơn xin xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan. Nguyên đơn vắng mặt hai lần tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải mà không có lý do chính đáng không phải là căn cứ để đình chỉ giải quyết vụ án.

- Khoản 1 Điều 217 thuộc Chương XIII BLTTDS năm 2015 - “Thủ tục hòa giải và chuẩn bị xét xử”, nhưng có thể coi đây là quy định chung về căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án, áp dụng cho tất cả các giai đoạn tố tụng. Căn cứ “nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan”, được cụ thể hóa tại Điều 227 BLTTDS năm 2015 - Sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tại phiên tòa sơ thẩm. Do đó, căn cứ này sẽ được áp dụng tại phiên tòa sơ thẩm.

- “Tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự” theo quy định của Bộ luật này (Điều 10 BLTTDS năm 2015), nên việc nguyên đơn vắng mặt tại phiên họp lần thứ hai không đồng nghĩa với việc nguyên đơn từ bỏ việc khởi kiện của mình, mà phải hiểu là nguyên đơn không muốn tham gia hòa giải giống như trường hợp bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt theo khoản 1 Điều 207 BLTTDS năm 2015. Bởi lẽ, đương sự trong vụ án dân sự (nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) đều có quyền, nghĩa vụ ngang nhau khi tham gia tố tụng. Nói cách khác, nguyên đơn không từ bỏ việc khởi kiện, mà chỉ từ bỏ việc hòa giải; nếu Tòa án tiến hành đình chỉ giải quyết vụ án thì sẽ không phù hợp và làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn.

- Mục 3 Phần III Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 của TAND tối cao về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử nêu: “Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, người khởi kiện được triệp tập hợp lệ lần thứ hai đến Tòa để lấy lời khai, nhưng vẫn vắng mặt mà không có lý do chính đáng và không có văn bản đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt. Trong trường hợp này, Tòa án có được đình chỉ giải quyết vụ án không?”; nội dung này được trả lời là: Trường hợp người khởi kiện được triệu tập hợp lệ lần thứ hai để tham gia phiên đối thoại mà vẫn cố tình vắng mặt thì thuộc trường hợp vụ án không tiến hành đối thoại được và Tòa án vẫn tiến hành các thủ tục để giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.

Thủ tục đối thoại trong tố tụng hành chính tương ứng với thủ tục hòa giải trong tố tụng dân sự. Như vậy, có thể hiểu tinh thần pháp luật là đương sự đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai tại phiên họp đối thoại, hòa giải mà cố tình vắng mặt thì thuộc trường hợp vụ án không thể tiến hành đối thoại, hòa giải được, Tòa án vẫn tiếp tục giải quyết vụ án theo trình tự tố tụng.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Nguyên đơn đã cố tình vắng mặt hai lần tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải không có lý do chính đáng, không vì sự kiện bất khả kháng hay trở ngại khách quan, nên Tòa án căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015 để ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án là phù hợp. Bởi lẽ:

- Xét về mặt lịch sử của pháp luật tố tụng dân sự quy định về việc đình chỉ giải quyết vụ án, cụ thể là Điều 38 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động năm 1996 và Điều 192 BLTTDS năm 2004, sửa đổi, bổ sung năm 2011, nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng tại phiên hòa giải là một trong những căn cứ để đình chỉ giải quyết vụ án.

Có thể thấy, căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án theo điểm c khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015 được kế thừa tinh thần của các điều khoản cũ. Mặc dù có sự thay đổi về kỹ thuật lập pháp, từ “đề nghị giải quyết vắng mặt” sang “đề nghị xét xử vắng mặt”, nhưng căn cứ này vẫn có thể áp dụng để đình chỉ giải quyết vụ án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, diễn ra phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, mà không nhất thiết chỉ áp dụng tại phiên tòa xét xử. Hơn nữa, khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015 chỉ quy định thời điểm Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án là sau thời điểm thụ lý. Như vậy, chỉ cần sau thời điểm thụ lý, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm hay tại phiên tòa sơ thẩm, Tòa án đều có thể căn cứ vào việc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ hai lần mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng, không có đơn xin vắng mặt, không vì sự kiện bất khả kháng hay trở ngại khách quan để đình chỉ giải quyết vụ án.

- Điểm c khoản 1 Điều 217 thuộc Chương XIII - “Thủ tục hòa giải và chuẩn bị xét xử”, Tòa án hoàn toàn có thể áp dụng căn cứ “nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan” tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải - là một trong những thủ tục trong giai đoạn chuẩn bị xét xử để đình chỉ giải quyết vụ án.

- Nguyên đơn là một trong các đương sự của vụ án dân sự, có quyền và nghĩa vụ như các đương sự khác trong vụ án (bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan), phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án và chấp hành quyết định của Tòa án trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc, nếu vắng mặt phải gánh chịu những hậu quả pháp lý bất lợi. Tuy nhiên, so với các đương sự khác trong vụ án, nguyên đơn là chủ thể đặc biệt hơn, là bên chủ động yêu cầu Tòa án giải quyết quyền lợi của mình. Nói cách khác, nguyên đơn là người đưa tranh chấp ra cơ quan tố tụng, làm phát sinh các thủ tục tố tụng. Bởi vậy, nguyên đơn càng phải là người chấp hành đầy đủ các yêu cầu của Tòa án để vụ án được giải quyết thuận lợi, nhanh chóng, họ phải có mặt trong phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Khi nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ nhưng cố tình vắng mặt hai lần trong phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải mà không có đơn xin vắng mặt, không vì sự kiện bất khả kháng hay trở ngại khách quan, thì có thể cho là nguyên đơn từ bỏ yêu cầu khởi kiện của mình. Vì vậy, cần đình chỉ để tránh kéo dài vụ án khi không có sự hợp tác của chính người khởi kiện.

- Nếu không đình chỉ giải quyết vụ án trong trường hợp nguyên đơn được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, thì sẽ thiếu vắng chế tài đối với trường hợp nguyên đơn được triệu tập hợp lệ lần thứ hai trước phiên tòa sơ thẩm mà vẫn vắng mặt, gây khó khăn và kéo dài thời gian giải quyết vụ án tại Tòa án.

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai. Theo đó, nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan, thì Tòa án tiến hành đình chỉ giải quyết vụ án không phân biệt là phiên hòa giải hay tại phiên tòa.

Phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải yêu cầu sự có mặt của các bên đương sự, vắng mặt một trong các bên sẽ dẫn đến hậu quả pháp lý nhất định. Khoản 1, 2 Điều 207 BLTTDS năm 2015 quy định những vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được nếu: “(1) Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt. (2) Đương sự không thể tham gia hòa giải được vì lý do chính đáng…”.

Có thể thấy, trường hợp nguyên đơn vắng mặt hai lần không có lý do chính đáng không được nhắc đến trong điều luật này, nên đây không phải là căn cứ để vụ án không tiến hành hòa giải được. Thay vào đó, hậu quả pháp lý của trường hợp nguyên đơn vắng mặt lần thứ hai không có lý do chính đáng sẽ căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015 - đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.

Ngoài ra, không thể áp dụng tương tự pháp luật tố tụng hành chính trong trường hợp này. Bởi lẽ, áp dụng tương tự pháp luật là căn cứ vào quy phạm pháp luật đang có hiệu lực đối với những quan hệ tương tự như quan hệ cần xử lý mà không có quy phạm trực tiếp điều chỉnh. Việc xử lý trường hợp nguyên đơn vắng mặt hai lần tại phiên hòa giải không phải là không có pháp luật điều chỉnh. Bên cạnh đó, tố tụng hành chính và tố tụng dân sự là hai phạm trù khác nhau, tranh chấp hành chính và tranh chấp dân sự có nhiều điểm khác biệt cơ bản. Vì vậy, áp dụng tinh thần luật tố tụng hành chính cho lĩnh vực tố tụng dân sự là không phù hợp.

3. Đề xuất, kiến nghị

Thứ nhất, cần có văn bản hướng dẫn thống nhất việc Tòa án ban hành quyết định đình chỉ giải quyết vụ án với căn cứ tại điểm c khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015 “nguyên đơn đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt, không vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan” theo hướng: Có thể áp dụng căn cứ trên trong cả phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải và phiên tòa sơ thẩm.

Thứ hai, cần sửa đổi điểm c khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015 theo hướng thay cụm từ “đơn đề nghị xét xử vắng mặt” thành “đơn đề nghị giải quyết vắng mặt” để mang tính khái quát hơn, từ đó có thể áp dụng căn cứ này trong nhiều giai đoạn tố tụng dân sự.








Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập